Gỡ khó cho thị trường trái phiếu cần giảm lãi suất cho vay
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp. Việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm sẽ giúp các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Giải pháp thúc đẩy của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không kỳ vọng nhiều vào nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ nhưng cần những cơ chế, chính sách của nhà điều hành để thị trường phát triển lành mạnh và giữ được niềm tin của nhà đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã có công điện hỏa tốc gửi Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và một công điện khẩn yêu cầu Bộ Tài Chính có các giải pháp thúc thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ những nút thắt về vốn cho doanh nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước đã hạ giá bán USD 4 lần, góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt, theo tờ Người lao động. Với hạn mức tín dụng được nới thêm 1,5-2% so với chỉ tiêu của năm 2022, tương đương 240.000 tỷ đồng sẽ được cung ứng thêm cho nền kinh tế, khi thêm hạn mức tín dụng, các doanh nghiệp đang thiếu vốn sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý hơn, có thêm sự lựa chọn cho hoạt động sản xuất kinh doanh mùa cao điểm cuối năm.
Vấn đề lãi suất trong vay cũng đã bắt đầu hạ nhiệt khi nhiều ngân hàng thương mại triển khai chính sách hỗ trợ đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Theo tờ Thời báo Ngân hàng, cuối tuần này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm. Việc làm này giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm từ 0,5-2%/năm, đồng thời sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất giữa các tổ chức tín dụng.
Có cái nhìn rõ hơn về thị trường trái phiếu nội địa
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sự phát triển quá nóng của thị trường này thời gian qua để lại những hệ lụy kéo dài, do vậy đã đến lúc có cái nhìn rõ hơn vai trò của một thị trường trái phiếu nội địa để có thể phát triển một cách bền vững.
Theo thông tin cho biết, có 2 vấn đề lớn đang tồn tại ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, đó là kỳ hạn của trái phiếu quá ngắn và mức lãi suất quá cao, đồng thời là sự bất hợp lý giữa các nhóm ngành nghề khác nhau.
Bản chất của trái phiếu là một kênh huy động nợ dài hạn của doanh nghiệp và được hoàn trả từ dòng tiền hoạt động kinh doanh kỳ hạn ngắn khiến mức độ chủ động vốn của doanh nghiệp sẽ thấp hơn nhiều và áp lực trái phiếu đáo hạn cũng sẽ rất sớm. Thực tế này khiến thị trường trái phiếu trở thành nơi giải quyết các nguồn vốn ngắn hạn thay vì dài hạn.
Chính vì vậy, trong dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, một loạt đề xuất mới đã được đưa ra nhầm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu.
Chính vì thế nội dung nổi bật trong dự thảo nghị định mới là cho phép doanh nghiệp kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, theo tờ Diễn đàn Doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới, trong khi có áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024, việc cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu sẽ giúp giảm lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào hai năm tới, hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ.
Bình luận về những giải pháp tháo nút thắt cho doanh nghiệp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã ví von tiền hiện nay không thiếu, nhưng vốn thì không có. Nó giống như một đám ruộng khô thiếu nước, tức là đang thiếu tiền. Bên cạnh đám ruộng khô có một hồ chứa rất lớn, đó là tiền, có điều kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng đang bị nghẽn. Do đó nước không thiếu, nhưng ruộng vẫn khô.
Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã nới hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, như vậy nước trong hồ sẽ chảy một phần qua ruộng để giải tỏa hạn hán, tức là giải một phần "cơn khát" vốn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc sớm sửa đổi nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạo kênh rất quan trọng để có nguồn vốn trung hạn cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm đi gánh nặng vốn trung hạn cho các ngân hàng thương mại, triển khai những giải pháp đồng bộ thì nước sẽ dần từ hồ chảy xuống ruộng nhiều hơn.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước nên tăng cung tiền để đáp ứng đủ lưu thông GDP tính theo giá hiện hành. Tốc độ tăng trưởng GDP hiện xấp xỉ 8%, cộng với lạm phát 3% tương ứng với GDP theo giá hiện hành là 11%. Hiện nay tăng cung tiền còn quá thấp so với tăng trưởng của chỉ số này.
“Trên nền tảng hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng, cần tăng room tín dụng để hỗ trợ thanh khoản của nền kinh tế. Không nên lấy lý do kìm lạm phát để siết tín dụng bởi lạm phát của Việt Nam hiện mới có 3%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi lãi suất cho vay lên tới 12% là không hợp lý. Các nước, dù lạm phát lên tới 10% cũng phải duy trì lãi suất cho vay chỉ 3% để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Huyền Diệu