0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 15/08/2022 07:30 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam triển vọng tích cực

Kết quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta rất đáng khích lệ. Báo chí quốc tế tuần qua tiếp tục ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát linh hoạt dịch bệnh, phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhiều dự án FDI đang “rót” lượng vốn trị giá hàng tỷ USD vào Việt Nam là tín hiệu tốt đẹp trong bước “chuyển mình” của nền kinh tế hiện nay. Việt Nam cũng tiếp tục củng cố thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi toàn cầu và được nhận định là một trong những ngôi sao kinh tế đang lên tại khu vực với triển vọng kinh tế tích cực.

Thời điểm này, Việt Nam như ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có tiềm năng trở thành con hổ mới tại châu Á - đây là nhận định của chuyên gia Brian Lee, Ngân hàng Maybank, Singapore được đăng tải trên trang Sputnik. Thành công là nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định chính trị, tự do hóa thương mại được đẩy mạnh, chi phí lao động cạnh tranh.

Kinh tế Việt Nam triển vọng tích cực - Ảnh 1
Việt Nam nằm trong danh sách tăng trưởng kinh tế nhanh nhất. (Ảnh minh họa).

Theo ông Brian Lee Shun Rong - Nhà nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore: "Để trở thành một Con hổ mới ở châu Á, tôi cho rằng Việt Nam nên tập trung vào 4 điểm chính. Đầu tiên, phát triển kỹ năng và lực lượng lao động sẵn sàng trong tương lai. Thứ hai là nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng. Thứ 3 là phát triển một mạng lưới các nhà cung cấp địa phương mạnh mẽ và cạnh tranh sẽ tăng cường chuyển giao kiến ​​thức. Cuối cùng là cần đẩy mạnh nền kinh tế kĩ thuật số. Số hóa sẽ vừa là nguồn tăng trưởng mới đưa Việt Nam vào tương lai vừa là sức mạnh cạnh tranh trong thời kỳ hậu Covid-19".

Ở bảng xếp hạng chỉ số phục hồi sau dịch bệnh do Nikkei mới công bố, Việt Nam đứng thứ 4/120 nước có tốc độ phục hồi tốt nhất trên toàn cầu.

Tờ Asiaglobal Online cho rằng, chính sách chống dịch hiệu quả cùng sự đoàn kết của người dân đã giúp Việt Nam nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh và duy trì tăng trưởng ở mức cao.

Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp đã làm tăng đáng kể niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam, trang Rouse nhấn mạnh.

Mới nhất, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cho biết sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ tháng 7/2023 nhằm tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất.

Ông Raymon Mallon - chuyên gia kinh tế Australia đánh giá: "Các bạn có lực lượng lao động dồi dào, liên tục tiếp cận công nghệ mới, giúp hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính phủ luôn lắng nghe người dân và doanh nghiệp, hành động quyết liệt giải quyết các nút thắt. Việt Nam hiện là nước đi đầu trong hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu... Ngoài ra, chính việc thúc đẩy chuyển đổi số cũng đã khiến Việt Nam trở nên rất hấp dẫn và đang tiến rất nhanh trong các lĩnh vực tăng trưởng này".

Trong trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về kinh tế Việt Nam đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,5%, cao hơn đáng kể so với mức 7% mà Việt Nam đề ra. Tổ chức tài chính này cũng dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 ở mức 3,8%, thấp hơn mức mục tiêu 4% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Khởi sắc và nhiều triển vọng

Đánh giá về triển vọng phục hồi của nền kinh tế, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay có ba điểm sáng nổi bật.

Thứ nhất, về kết quả tăng trưởng, Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 ở mức 6-6,5%, tuy nhiên kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là GDP đạt mức ấn tượng - 7,72%, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải cố gắng vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, phấn đấu GDP đạt 7% trong năm nay.

Trong báo cáo Triển vọng toàn cầu quý III/2022, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,0%. Dự báo này đi kèm giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6-7,8%.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng mạnh trong quý II, VinaCapital cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%. Thậm chí, với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, VinaCapital tin rằng có khả năng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7,5% trong năm nay. Hơn nữa, tăng trưởng GDP trong quý III có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cũng bày tỏ tin tưởng GDP quý III đạt 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ là một chất xúc tác quan trọng để các nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, GS.TS Nguyễn Mại phân tích, việc triển khai các hiệp định thương mại tự do mới, đơn cử như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực thực thi từ đầu năm nay sẽ tạo điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư chất lượng cao hơn và hiệu quả tốt hơn.

Thứ ba, hàng loạt "dự án tỷ đô" cũng là điểm sáng, tạo nên "sức bật" cho nền kinh tế. Ví dụ như việc TPHCM đề xuất 'siêu dự án' cảng trung chuyển quốc tế 6 tỷ USD tại Cần Giờ, do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) hợp tác với Công ty Mediterranean Shipping Company (MSC) - hãng tàu container hàng đầu thế giới nghiên cứu, xây dựng. Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ có công suất thiết kế 10-15 triệu TEUs, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay là 24.000 TEUs, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 7,2 km.

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Tổng công ty phát triển cảng của Tập đoàn Adani (tập đoàn về hạ tầng lớn nhất Ấn Độ) đã cam kết sẽ hỗ trợ và đầu tư 2 tỷ USD phát triển cảng Liên Chiểu cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung.

Cùng với đó là hàng loạt dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch của Mỹ, Đức; hay dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (Singapore) với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD.

GS.TS. Nguyễn Mại dự báo: "Như vậy, trong tương lai gần chúng ta sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai. Năm 2022, Việt Nam có khả năng thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21-22 tỷ USD vốn thực hiện như mục tiêu đề ra".

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: "Vấn đề cốt lõi còn lại là cải cách hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã nói về việc "trên nóng dưới lạnh, nơi nóng nơi lạnh". Làm thế nào để các bộ, ngành, UBND các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp phải đồng bộ cải cách để tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng trên toàn quốc, chứ không phải chỉ nổi lên một số chỗ làm tốt còn một số nơi ì ạch".

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam triển vọng tích cực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới