Hai thách thức lớn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2022
Đà phục hồi kinh tế thế giới đang chững lại do bất ổn chính trị và rủi ro lạm phát trong nước tăng cao chính là hai thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong 2 năm đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng rất nặng nề. Năm 2020, mặc dù tăng trưởng GDP ở mức thấp nhưng vẫn là điểm sáng của thế giới. Tuy nhiên, sang năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã lỡ nhịp với toàn cầu.
Từ đầu năm 2022, nhờ những nỗ lực trong chống dịch và sống chung hoàn toàn với dịch bệnh, nền kinh tế bắt đầu vào giai đoạn phục hồi. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý I/2022 đã tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, và cao hơn cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên theo ông Thành, trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2022 đang đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, chưa nói đến sự lỡ nhịp so với thế giới trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang gặp phải hai vấn đề lớn.
Thứ nhất, đà phục hồi của kinh tế thế giới đang chững lại, từ trước khi xảy ra chiến sự giữa Nga và Ukraina, các tổ chức quốc tế đã dự báo năm nay tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ còn 4 - 4,9%.
Theo dự tính, con số dự báo này trong tháng tới sẽ tiếp tục giảm do nền phục hồi của kinh tế năm 2021 đã rất cao, đạt 5,9%. Bên cạnh đó, việc nhiều nước đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thu hẹp để kiểm soát lạm phát cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh suy giảm chung đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế thế giới. Xung đột xảy ra với những "đòn trừng phạt" chưa từng có trong tiền lệ giữa các nước đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá dầu tăng mạnh.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hàng triệu người và là cú sốc nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng phi mã; đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng đã "leo thang" mạnh nhất kể từ năm 2011. Điều này đã tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Ông Thành cho rằng, bối cảnh bất ổn thế giới này đang tác động xấu đến kinh tế Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, về cơ bản cũng giống như tác động đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gia tăng chi phí sản xuất đầu vào, đe dọa đến sự bất ổn vĩ mô. Kinh tế toàn cầu đang chịu tác động kép từ cả dịch bệnh và chiến tranh.
Yếu tố thứ hai tác động xấu đến kinh tế Việt Nam được ông Thành chỉ ra là rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát trong nước. Ngay từ năm 2021, áp lực lạm phát đã xuất hiện khi Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ cho người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2022, áp lực này càng tăng lên khi bối cảnh bất ổn thế giới tăng cao. Theo dự đoán của nhiều tổ chức nghiên cứu, lạm phát tại các nước đang phát triển như Việt Nam có thể đạt từ 6-7%/năm. "Dưới những tác động này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ chỉ còn ở mức dưới 6% hoặc cao hơn 6% một chút, thay vì mốc 6,6 - 7% như những dự báo trước đó", ông Thành nhận định.
Nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với một số rủi ro mới, việc thực hiện mục tiêu lạm phát ở mức 4% trở nên khó khăn hơn, cùng với đó là thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao.
"Những rủi ro bất định trong nền kinh tế sẽ tăng lên, kinh tế Việt Nam cần phải tiếp tục phục hồi bằng quyết tâm mạnh mẽ, chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống để đối diện và giảm thiểu thấp nhất những bất định cho nền kinh tế", ông Thành nhấn mạnh.
Để làm được điều này, ông Thành cho rằng, việc thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Chính phủ là hết sức quan trọng. Trong đó, cần kết hợp linh hoạt, hài hoà giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế 2022, kiểm soát được lạm phát cần phải được ưu tiên. Một trong những áp lực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm 2022 là nguy cơ bùng phát lạm phát trở lại. Thời gian vừa qua, giá xăng dầu tăng cao, gần mức 30.000 đồng/lít đã khiến hàng loạt mặt hàng tăng giá.
Về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, khi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến rủi ro lạm phát, bất ổn vĩ mô rất lớn. Giá xăng tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng. Điều này có thể dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Do đó, để đảm bảo sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia, có chính sách để giảm giá xăng dầu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội.