0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 07/12/2021 18:33 (GMT+7)

'Bức tranh tăng trưởng kinh tế' 2021 khởi sắc rõ nét trước đại dịch

Năm 2021 đang dần khép lại với những gam sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đang nỗ lực vươn lên trong thử thách của đại dịch Covid-19, tạo đà tăng trưởng cao cho các năm tới.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

2021 - một năm khó khăn nhưng không thất vọng

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 22/9/2021, kinh tế Việt Nam dự kiến năm 2021 tăng trưởng ở mức 3,8% và đạt 6,5% vào năm 2022, với nông nghiệp tăng 2,7%, bằng với mức năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021 đang tiếp tục phục hồi tích cực, với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020).

Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%. 

Đặc biệt, tính riêng tháng 11/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động.

Bên cạnh đó, có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2021 ước tính đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước; dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với 26,46 tỷ USD tính từ đầu năm 2021; CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Báo cáo số 422/BC-CP về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 18/10/2021 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ước thực hiện cả năm 2021: GDP tăng trưởng khoảng 3,5 - 4% (có 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra).

Dòng vốn FDI thực hiện dự kiến cả năm 2021 đạt 19 - 20 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 628 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% và nhập siêu cả năm khoảng 2 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm là 5.266 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng lên mức 1,67 - 1,95%) so với mức 1,69% vào cuối năm 2020); tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư ở mức 3,58 - 3,89%.

Nếu tính cả dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn ước tính ở mức 6,98 - 7,29%. Cả nước có 46 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,3% so với năm 2020; tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới khoảng 110 nghìn doanh nghiệp, giảm 18,5% so với năm 2020, với số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 36,5%, trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là gần 1,5 triệu tỷ đồng, giảm 31%.

Về tổng thể, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh, lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng và tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Các tập đoàn lớn của thế giới, châu Âu, Nhật Bản (tiêu biểu như Apple, Foxconn, Intel) vẫn tiếp tục đánh giá cao tiềm năng thị trường rộng mở và coi Việt Nam là địa chỉ rất tốt để đầu tư, mở rộng sản xuất và dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Việt Nam - Điểm đến hàng đầu Châu Á

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên "tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát.

World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) trong tháng 10/2021 đã công bố các giải thưởng năm 2021, trong đó Việt Nam được vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á. Đây là danh hiệu Việt Nam từng đạt được năm 2018 và 2019. Ngoài ra, Việt Nam còn được tôn vinh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á. Một số điểm đến của Việt Nam cũng được World Travel Awards vinh danh, như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đoạt giải Điểm tham quan hàng đầu châu Á; thành phố Hội An (Quảng Nam) chiến thắng ở hạng mục Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á và Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được trao giải Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.

Mặc dù chịu nhiều tổn thất khá nặng nề cả về con người và kinh tế do đại dịch Covid-19, năm 2021 là một năm khó khăn nhưng không thất vọng đối với Việt Nam. Về triển vọng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam  năm 2021 sẽ tỷ lệ thuận với hiệu quả triển khai tiêm vắc-xin cho người dân; vào sự phục hồi lại các thị trường xuất khẩu lớn và tiêu dùng nội địa; năng lực cải thiện sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics; đặc biệt là tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại.

Có thể thấy, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của chính phủ để kiềm chế dịch Covid-19 trong nước, vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông - Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc; tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã gia tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ 10 - 12% lên 14 - 15% trong năm 2021 và 16 ngân hàng thương mại đã tiến hành giảm lãi suất trên các khoản vay hiện tại nhằm giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn về dòng tiền để khôi phục sản xuất kinh doanh. Cả nước đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 120/166 thủ tục hành chính, cắt giảm 21,2% chi phí tuân thủ quy định.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ sẽ càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới hiệu quả hơn để hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ.

Bạn đang đọc bài viết 'Bức tranh tăng trưởng kinh tế' 2021 khởi sắc rõ nét trước đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới