Những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế 2022
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp giá xăng dầu năm 2022 tăng 30-40% so với năm 2021, GDP sẽ giảm tốc độ tăng trưởng và lạm phát sẽ tăng lên so với các dự báo trước đó.
Thời điểm cuối năm 2021, nhiều tổ chức kinh tế thế giới và chuyên gia trong nước từng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 6 - 6,5%, CPI bình quân tăng 3,8 - 4,2%. Tuy nhiên, trước diễn biến giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu, xăng dầu tăng mạnh như hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại.
Theo ông Lực, mặc dù có rất nhiều động lực cho tăng trưởng, nhưng trong năm 2022, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức.
Các rủi ro bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam được ông Lực chỉ ra bao gồm rủi ro địa chính trị (chiến sự Nga - Ukraine); giá cả tăng mạnh; các nước giảm các gói hỗ trợ, tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp. Trong khi đó, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm; lạm phát; rủi ro nợ công, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng mạnh.
Về tác động của chiến sự Nga – Ukraine đối với kinh tế toàn cầu, đến nay đã có khoảng 30 biện pháp trừng phạt chủ yếu của phương Tây đối với Nga trên 4 lĩnh vực: Tài chính - tiền tệ, năng lượng, vận tải.
Trong đó có 5 biện pháp trừng phạt rất mạnh gồm phong tỏa tài sản của một số ngân hàng, tổ chức và cá nhân Nga (khoảng 1.400 tỷ USD); tách một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT; cấm các tổ chức thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến NHTW Nga, Quỹ Tài chính quốc gia và Bộ Tài chính Nga; cấm không vận, hạn chế vận tải biển và đường sắt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng; hạn chế nhập khẩu xăng dầu và khí đốt từ Nga.
Tình trạng này khiến giá xăng dầu được dự báo sẽ tăng bình quân 30 - 40% so với năm 2021, kéo theo đó là lạm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm.
Đối với Việt Nam, giá cả, lạm phát tăng nhanh cũng gây xói mòn đầu tư, tiêu dùng. Toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ bị thiệt hại khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục. Ông Lực cho rằng, giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó làm tăng nhập siêu. Trong khi đó, Việt Nam đã nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay.
Đối với kịch bản giá dầu năm 2022 trung bình tăng 30% so với năm 2021 cùng dự báo nhu cầu xăng dầu tăng khoảng 10% do các hoạt động kinh tế xã hội được phục hồi khi đó ước tính nhập siêu xăng dầu sẽ thâm hụt khoảng 9 tỷ USD.
Giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân. Chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Đồng thời, việc giá xăng dầu tăng cũng là áp lực khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội và cuộc sống của người dân. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này sẽ làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, giá dầu tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Khi giá dầu tăng làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào làm tăng chi phí sản xuất (chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất năm 2021).
Trong đó, một số ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn do có chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn như: Vận tải, hóa chất, phân bón, sản xuất nhựa...
Một tác động tiêu cực khác từ việc giá xăng dầu duy trì ở mức cao, đó là sẽ làm giảm đà phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và hiệu quả của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của Chính phủ nói riêng.
Giá xăng dầu tăng cao khiến áp lực lạm phát tăng cao. Giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (các nhóm này chiếm đến 28,5% trong rổ hàng hóa tính CPI), đồng thời tác động vòng 2, vòng 3… đến các nhóm hàng hóa khác và gây áp lực lên CPI tổng thể.
Ông Lực ước tính, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30 - 40% so với năm 2021, GDP sẽ giảm tốc độ tăng trưởng từ 1,2 – 1,5% năm 2022 xuống mức 4,5 - 5%; ở kịch bản xấu có thể chỉ còn 3,5 - 4% và lạm phát sẽ đội lên từ 0,8 – 1% so với con số dự báo trước đó.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, giá xăng dầu tăng cao cùng với nguy cơ lạm phát sẽ tác động lớn đến đà hồi phục và tăng trưởng kinh tế 2022. Điều này đang gây hoang mang cho doanh nghiệp, người dân về sự ổn định của kinh tế vĩ mô và niềm tin trở lại sản xuất kinh doanh trên thị trường.
Ông Nghĩa cũng cảnh báo, xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài và phức tạp. Giá năng lượng châu Âu, thế giới còn biến động khó lường. Do đó, vấn đề lớn nhất của Việt Nam tới đây là an ninh năng lượng. Đủ cung xăng dầu cho thị trường trong nước thì mới giải quyết được vấn đề giá.
Mục tiêu của Việt Nam hiện nay là hạn chế đà tăng của giá xăng dầu vì nó ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế. Để làm được điều này, Việt Nam phải có nguồn dự trữ lưu và chiến lược dài hạn để ổn định giá xăng dầu.
Việt Nam có thể dùng một phần dự trữ ngoại hối như hiện nay để dự trữ xăng dầu thay vì trữ tiền. Khi đã có nguồn cung xăng dầu bảo đảm, các công cụ về thuế, phí, phương thức kinh doanh mua bán xăng dầu mới có thể được tính toán để điều chỉnh phù hợp. Cần hạn chế thấp nhất tác động của giá xăng dầu biến động đến tăng trưởng kinh tế hiện nay, ông Nghĩa nhấn mạnh.