0915 15 67 76 [email protected]
Thứ bảy, 15/01/2022 12:06 (GMT+7)

Hà Nội: Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nhâm Dần 2022

Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành công thương và các DN Hà Nội đã chủ động kết nối cung cầu, dự trữ hàng hóa để người tiêu dùng an tâm mua sắm dịp Tết.

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Tết 

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, dự báo dịp Tết Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ tăng từ 3 - 20% theo từng nhóm hàng. Hiện Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản cho người dân Thủ đô, dự báo nguồn cung sẽ khó khăn trong dịp Tết sắp tới.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu phục vụ 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn TP Hà Nội trong 1 tháng gồm gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu); riêng mặt hàng thịt gia cầm nhu cầu 6.198 tấn, TP Hà Nội tự cung ứng 10.671 tấn...

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc dẫn đến sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng.

Trong khi đó một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, trong khi giá thức ăn, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nên người dân không mặn mà tái đàn, dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết.

“Hà Nội mong muốn các tỉnh, thành phối hợp để triển khai kế hoạch kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các DN, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội phục vụ Tết Nhâm Dần sắp tới ”, bà Lan cho biết thêm.

Doanh nghiệp vào cuộc, dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết

Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trị giá 39.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, các DN bán lẻ đã chủ động dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ 2 tháng trước Tết. Các mặt hàng DN tăng cường dự trữ gồm, gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi tăng 7 - 15% so với Tết 2021.

Bên cạnh đó, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, may mặc, điện máy cũng được các DN dự trữ...

Theo thông tin từ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho biết, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ đồng, bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội.

“Ngoài ra, Hapro cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử, qua đó hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19”, ông Sơn cho hay.

Còn Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail (thuộc Tập đoàn BRG) Nguyễn Thái Dũng cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Dần, DN đã làm việc với các nhà cung cấp về sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp từ 2 - 3 lần so với các tháng trong năm.

Phía hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart + cũng đã lên kế hoạch tăng từ 40 - 50% lượng hàng hóa cung ứng, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết. Năm nay, hệ thống VinMart còn chú trọng khai thác các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP các tỉnh, TP trong cả nước để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Vùng Hà Nội (Tập đoàn Central Group) Lê Mạnh Phong, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của hệ thống siêu thị Big C tăng 10 - 15% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống. Đại diện AEON Việt Nam cho biết hệ thống bán lẻ của DN này đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để "bung" hàng hóa phục vụ Tết từ sớm, với lượng hàng dự kiến tăng khoảng 15%, đồng thời đảm bảo giá cả bình ổn với nhiều ưu đãi so với Tết 2021.

Nỗ lực kết nối cung cầu với các tỉnh, thành

Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã kết nối với các địa phương: Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp… đưa nguồn hàng nông, lâm, thủy sản về Hà Nội tiêu thụ.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh thành do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ: Bắc Kạn là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được người tiêu dùng Hà Nội biết đến. Thời điểm này, các HTX, DN của tỉnh đang cấp tập lên đơn hàng trực tuyến nông sản cung ứng cho thị trường Hà Nội trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề.

Nhìn nhận dưới góc độ DN, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho hay, với 6 cửa hàng cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội, công ty đã ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn TP từ đầu quý III/2021.

Theo đó, nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ, cung ứng hàng hóa cho TP Hà Nội trong năm 2022 và Tết Nhâm Dần, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành trong lĩnh vực công thương năm 2022. Qua đó tạo điều kiện cho các tỉnh, thành đưa nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, về thị trường Hà Nội tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Việc ngành công thương TP Hà Nội và DN tăng cường dự trữ hàng hóa, đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong cả nước với mục đích bảo đảm không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nhâm Dần.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nhâm Dần 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.