0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 12/12/2021 14:12 (GMT+7)

Giá đầu vào leo thang, doanh nghiệp gặp khó khi sản xuất hàng Tết

Theo các doanh nghiệp sản xuất, do ảnh hưởng bởi Covid-19, giá nguyên liệu tăng cao đang là vấn đề khiến họ đau đầu. Một số nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng 10 - 30% gây áp lực cho giá thành sản phẩm.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Bước sang tháng 12, các doanh nghiệp bánh, mứt, kẹo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng đơn hàng sớm của đối tác. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài nên một số nhà phân phối chỉ đặt hàng nhỏ giọt để thăm dò thị trường.

Theo các doanh nghiệp sản xuất, do ảnh hưởng bởi Covid-19, giá nguyên liệu tăng cao đang là vấn đề khiến họ đau đầu. Một số nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng 10 - 30% gây áp lực cho giá thành sản phẩm. Nhất là thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đã cố gắng giữ giá để hỗ trợ người tiêu dùng trong mùa dịch.

Chia sẻ trên Zing.vn, ông Trương Hải Hấu, Giám đốc Công ty TNHH Bánh pía - Lạp xưởng Hải Sơn ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng), cho biết kẹo, mứt có hạn sử dụng 5 - 6 tháng nên vài tuần gần đây doanh nghiệp đã sản xuất từ từ chứ chưa tăng tốc.

Theo ông Hấu, nếu như những năm trước các nhà phân phối đặt hàng với số lượng 10 thì hiện chỉ 2 - 3 vì sức thị trường tiêu thụ bánh, mứt khá chậm do ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi đó, giá nhiều loại nguyên liệu như dầu thực vật, đường, bột mì… tăng mạnh.

Ông Hấu chia sẻ: “Năm trước đường khoảng 15.000 đồng/kg thì hiện nay 19.700 đồng. Đường cát làm bánh, mứt cũng có lúc tăng lên 21.000 đồng/kg; dầu thực vật tăng từ 500.000 - 600.000 đồng lên 900.000 đồng/can 30 lít. Bột mì năm trước hơn 11.000 đồng, năm nay tăng lên hơn 14.000 đồng/kg nhưng bánh chỉ tăng 2.000 đồng/hộp 4 cái”.

Không chỉ giá nguyên liệu, lương công nhân gắn bó nhiều năm cũng được doanh nghiệp tăng theo thâm niên. Đăc biệt là hơn nửa năm nay, các doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

“Doanh nghiệp sản xuất nhờ bán số lượng nhiều mới có lãi được vài phần trăm. Chỉ có đại lý bán lẻ mới lãi cao nhưng nửa năm qua thị trường bán lẻ rất ít khách. Bán sỉ nếu gặp khách hàng nợ với số tiền lớn thì doanh nghiệp càng mất lãi”, ông Hấu nói.

Cùng quan điểm, ông Lương Văn Đông, đại diện cơ sở sản xuất lạp xưởng Quãng Trân nổi tiếng ở miền Tây cho biết, nhiều tháng nay đơn vị chủ yếu bán hàng online vì thị trường chợ truyền thống ế ẩm, chỉ đạt 30% so với trước đây.

Theo ông Đông, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên doanh nghiệp đã ngưng sản xuất bánh pía, tập trung vào lạp xưởng truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay giá thịt, mỡ và tôm đất (sản xuất lạp xưởng tôm) tăng cao nên doanh nghiệp chỉ sản xuất lạp xưởng heo.

Ông Lương Văn Đông nhấn mạnh: “Giá thành sản xuất lạp xưởng tăng khoảng 15% nhưng chúng tôi không thể nâng giá bán vì dịch bệnh, người dân không còn nhiều tiền. Lạp xưởng tôm rất ngon nhưng bán online không được nên tạm dừng sản xuất mặt hàng này”.

Bạn đang đọc bài viết Giá đầu vào leo thang, doanh nghiệp gặp khó khi sản xuất hàng Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới