Giá xăng dầu tăng cao nhất trong 8 năm, doanh nghiệp than lỗ, cách nào để bình ổn thị trường?
Hiện giá xăng dầu thị trường trong nước đã lên mức cao nhất 8 năm, mỗi lít xăng RON 95 vượt 25.000 đồng. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp kinh doanh trong nước vẫn liên tục than lỗ.
Xăng tăng giá kỷ lục, doanh nghiệp liên tục than lỗ
Ngày 11/2 vừa qua Liên Bộ Tài chính - Công thương đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 981 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 962 đồng/lít. Giá dầu diesel, dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng 960 đồng/lít; còn dầu mazut tăng 660 đồng/kg.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đến nay xăng dầu tăng giá, kéo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 24.571 đồng/lít; RON 95 là 25.322 đồng/lít; dầu diesel 19.865 đồng/lít, dầu hỏa 18.751 đồng/lít; dầu mazut 17.659 đồng/kg. Các mức giá xăng dầu này đều là mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.
Tuy nhiên, mặc dù giá bán đã cao nhất trong vòng 8 năm qua nhưng các doanh nghiệp kinh doanh trong nước vẫn liên tục than lỗ. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Tiu - Giám đốc CTCP Xăng dầu Tự lực 1 cho hay: "Mỗi lít xăng bán ra đang lỗ 600 - 700 đồng. Trung bình một cửa hàng bán được 600 khối thì tháng mất 400 triệu đồng. Vậy nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận, biết kêu ai giờ. Mặt hàng này không phải muốn đóng là đóng".
Nguyên nhân là do, mặc dù giá nhập khẩu xăng tại thời điểm hiện tại, RON 95 tại cảng có giá khoảng 14.936 đồng nhưng mặt hàng này lại phải gánh chịu nhiều loại thuế phí khác nhau khiến giá đội lên cao.
Hiện giá xăng phải đóng thuế nhập khẩu 10%, như xăng RON 95 thì khoảng 1.493 đồng/lít. Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được áp là 10% tương ứng 1.493 đồng, VAT 10% theo giá bán thì rơi vào khoảng 2.532 đồng. Thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Tổng chi cho 4 sắc thuế là 9.518 đồng/lít, tức chiếm 38% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95 (giá 25.322 đồng/lít).
Ngoài ra, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tính chung, các khoản chi phí đã lên tới 11.168 đồng/lít, chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95. Nếu cộng tất cả các loại thuế, phí thì giá cơ sở cho mỗi lít xăng lên đến 26.104 đồng/lít. Điều này đồng nghĩa với việc, bán ra mỗi lít xăng, doanh nghiệp đầu mối phải chịu lỗ gần 800 đồng.
Cách nào để giá xăng hạ nhiệt?
Một giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 21/2) vẫn còn áp lực tăng rất cao nữa trong bối cảnh giá thế giới chưa hạ nhiệt.
Theo vị này: "Điều hành xăng dầu hiện bất cập. Nhiều dự báo giá dầu thế giới còn tăng lên tới 120 USD/thùng, thậm chí còn có dự báo sốc lên tới 150 USD/thùng. Cứ với đà này, tình trạng bất ổn của thị trường trong nước còn kéo dài, lặp đi lặp lại", vị này cho rằng, nhiều doanh nghiệp kéo dài 1-2 tháng tình trạng này sẽ phá sản.
Chia sẻ trên Báo Dân trí, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết, dư địa để "hạ nhiệt" giá xăng dầu bây giờ chỉ còn thuế phí. Ông cho rằng cơ quan quản lý cũng cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả. Liên Bộ cần phối hợp linh hoạt trong vấn đề này.
"Phải tính toán làm sao để trong những lúc căng thẳng thế này, lợi ích của doanh nghiệp giảm đi, nhưng không đồng nghĩa với việc để họ lỗ kéo dài. Nếu lỗ triền miên họ đóng cửa, làm sao để thông suốt được nguồn cung? Cũng không thể ép họ để họ phải mọi biện pháp lảng tránh, trốn tránh kinh doanh", ông Cường nêu quan điểm và cho rằng Nhà nước trong những thời điểm đặc biệt, biến động như hiện nay nên dùng các công cụ như thuế phí.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu cũng cho rằng, thay vì để quỹ bình ổn, Nhà nước nên bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu thông qua công cụ thuế và các chính sách khác. Không kiến nghị thả nổi mặt hàng này song theo doanh nghiệp, cơ quan điều hành nên quản lý theo định mức cho doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại, không để doanh nghiệp đứng ra trích tiền... bình ổn, như vậy thị trường mới bền vững.
Trả lời câu hỏi dư địa các công cụ điều hành tới đây sẽ ra sao khi đà tăng giá của thị trường thế giới chưa có điểm dừng và hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm lớn, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, tính tổng thể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có đơn vị âm, có doanh nghiệp vẫn dương.
Song quỹ này cũng có hạn, nên theo vị này, tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD/thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước sẽ phải dùng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hóa một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.
"Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp điều hành giá xăng dầu khi tình hình thị trường "căng" hơn", ông Đông nói.
Giá xăng tăng mạnh, Bộ Tài Chính nói gì?
Báo cáo giải pháp với Bộ trưởng Công Thương tại cuộc họp hôm 9/2, Ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…; từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Về quan điểm các khoản thuế đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá xăng dầu, ông Tuấn cho rằng, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên tính ổn định tương đối cao, áp dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục theo kỳ 10 ngày 1 lần, biên độ điều chỉnh lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Chúng tôi luôn chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu để đề xuất giải pháp, trình cấp thẩm quyền quyết định, trong đó có xét tới yếu tố thuế, nhưng đây là cả quá trình”, ông Tuấn nói.
Theo Vụ Chính sách Thuế, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế gồm thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) và thuế bảo vệ môi trường.
Hiện thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) áp dụng với xăng là 20%, các loại dầu và nhiên liệu bay là 7%. Tuy nhiên, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thuế với xăng dao động từ 8-8,8% tuỳ hiệp định, các mặt hàng dầu từ 0-7%. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên thuế nhập khẩu với xăng cơ bản ở mức 8% và dầu 0%. Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu trên thị trường chỉ chiếm khoảng 20-30%, phần còn lại được cung ứng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
Với thuế giá trị gia tăng, xăng dầu chịu mức 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% với xăng, không thu với các loại dầu (thuế này với xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%); thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng/lít (xăng sinh học E5 và E10 thu với phần xăng gốc, không tính trên phần ethanol pha trộn), các loại dầu là 2.000 đồng/lít.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, sẽ có 33 doanh nghiệp đầu mối thuộc diện thanh tra trong đợt này.
Cụ thể, theo danh sách trên cổng thông tin Bộ Công Thương về hoạt động kinh doanh xăng dầu, thị trường có tổng số 36 doanh nghiệp đầu mối, trong đó những cái tên chiếm thị phần lớn có Petrolimex, PVOil, Công ty TNHH một thành viên - Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội...
Thời kỳ tiến hành thanh tra bắt đầu trong giai đoạn từ 1/1/2021 đến 11/2. Trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, Đoàn Thanh tra có thể kiểm tra, làm rõ. Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.