Ngư dân vùng biển loay hoay vì giá xăng dầu "leo thang"
Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của ngư dân. Trong khi sản lượng đánh bắt thời gian qua có chiều hướng giảm thì việc giá xăng dầu liên tiếp tăng đang gây khó khăn lớn hơn cho người đánh bắt, khai thác hải sản.
Giá xăng dầu tăng cao liên tiếp trong thời gian gần đây đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của ngư dân. Trong khi sản lượng đánh bắt thời gian qua có chiều hướng giảm thì việc giá xăng dầu liên tiếp tăng đang gây khó khăn lớn hơn cho người đánh bắt, khai thác hải sản.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV, tỉnh Cà Mau có gần 4.500 tàu đánh bắt, khai thác hải sản. Với ngư dân, tiền dầu là chi phí thường xuyên và chiếm phần lớn chi phí mỗi chuyến ra khơi nên giá xăng dầu tăng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Lê Văn Thiệt, chủ 3 ghe lưới kéo ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, sản lượng đánh bắt có xu hướng ngày càng giảm; thời gian qua, ảnh hưởng dịch Covid-19 giá các loại hải sản cũng ở mức thấp nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, giá dầu lại tăng liên tục, dầu diesel đã lên gần 20.000 đồng/lít thì ngư dân càng khó khăn hơn.
Theo ông Thiệt: "Lượng cá bây giờ đánh không đạt như ngày xưa. Cá bây giờ cũng rẻ. Trước đây, giá dầu 17.000 – 18.000 đồng/lít thì giá cá được hơn 20.000 đồng/kg, khiến chi phí tăng cao. Mà đánh bắt bây giờ phải có khu vực chứ đâu phải muốn đánh đâu là đánh như ngày trước, lượng cá cũng giảm nhiều. Nếu cứ đà này thì ngành khai thác biển không thể phát triển được".
Đợt điều chỉnh mới nhất vào ngày 11/2, giá xăng dầu tăng khá mạnh, đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp nên càng gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Nhiều ngư dân tại thị trấn Sông Đốc cũng chưa tiến hành chuyến biển đầu năm do lo ngại thua lỗ.
Ông Nguyễn Đình Triểu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết: "Giá dầu tăng, các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng sẽ ảnh rất lớn đến người dân trong việc khai thác, đánh bắt hải sản.
Thực tế, ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân. Kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, làm sao có chính sách hỗ trợ cho các hộ làm nghề khai thác biển. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng chung, gây nhiều khó khăn như hiện nay".
Tại tỉnh Quảng Bình, xăng dầu tăng giá, chi phí đi biển tăng, nhiều chuyến đi về bị lỗ nên gần 1 tháng nay, anh Phạm Tuyển, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) phải cho tàu nằm bờ.
Chia sẻ với báo chí, Anh Tuyển cho biết, trước đây, anh tham gia đánh bắt thủy sản tại vùng biển Hoàng Sa, một chuyến đi tiêu thụ hết 7.000 lít dầu. Mỗi chuyến đi biển riêng chi phí tiền dầu hết hơn 110 triệu đồng, nhưng nay tăng lên hơn 150 triệu đồng. Ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt nên tàu đi biển phải đi xa hơn, dài ngày hơn, dẫn đến phí xăng dầu cũng đội lên.
“Hiện nay, chi phí đi biển của mỗi tàu đều tăng từ 40-50 triệu đồng do xăng dầu tăng giá, trong khi giá thu mua hải sản vẫn còn thấp. Đi về lỗ vốn, tiền chia cho bạn thuyền ít hơn nên nhiều người cũng không muốn đi. Hiện, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ đang tạm nghỉ, riêng trong địa phương phải có hơn 30 tàu công suất lớn nằm bờ. Nếu giá xăng dầu không hạ thì phải ra Tết tôi mới ra khơi đánh bắt trở lại”, anh Tuyển cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh cho biết: “Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh có 250 đoàn viên, với 150 tàu đánh cá, có công suất từ 150-800CV.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các tàu cá hoạt động hiệu quả không cao, nhất là khi giá hải sản xuống thấp mà giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều tàu vây trên địa bàn nằm bờ. Dự báo thời gian tới số tàu nằm bờ sẽ gia tăng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng. Do đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có chính sách bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ ngư dân vươn khơi”.
Giá xăng dầu liên tiếp tăng đang là khó khăn rất cơ bản với ngư dân. Đặc biệt, đối với tỉnh có lợi thế phát triển ngành nghề đánh bắt, khai thác hải sản đang phải chịu tác động rất rõ.