Giá đất Thủ Thiêm đắt nhất thế giới, Bộ Tài chính "siết" những gì?
Theo Bộ Tài chính, các trường hợp chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mới đây, Bộ Tài chính có công văn số 14257/BTC-VP ngày 15/12/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Đáng chú ý, công văn của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “dậy sóng” trước đợt đấu giá đất kỷ lục tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Cụ thể, Trung tâm đấu giá tài sản TP.HCM đã đấu giá thành công 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 tại Thủ Thiêm tổng diện tích gần 30.000 m2, giá khởi điểm gần 5.300 tỷ đồng nhưng giá trúng hơn 37.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong đó có phiên đấu giá lô đất ký hiệu 3-12 với diện tích hơn 10.000 m2, giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng đã được Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) mua lại với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2.
Ngoài ra, 3 lô đất còn lại đều được bán đấu giá thành công với mức giá trúng cao hơn 4-7 lần giá khởi điểm. Tạm tính theo giá trúng của các doanh nghiệp, tổng số tiền ngân sách TP.HCM dự kiến thu về từ 4 lô đất này là 37.346 tỷ đồng.
Theo công văn số 14257/BTC-VP, mục tiêu của Bộ Tài chính là chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản, đồng thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo đó, cơ quan quản lý tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Các địa phương cần yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan Nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng đúng giá thực tế mua bán. Điều này nhằm mục đích làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Với các trường hợp chuyển nhượng bất động sản nhưng kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế, Bộ Tài chính khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật về thuế và người thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng đề nghị các địa phương thường xuyên vận động người dân, doanh nghiệp kê khai trung thực giá chuyển nhượng trên hợp đồng mua bán.
Với cơ quan quản lý thuế - Tổng cục Thuế - Bộ yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, đặc biệt là các quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi này trong pháp luật hình sự để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cần tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân và doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế.
Các Cục thuế địa phương cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản nhằm chống thất thu thuế.