0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 29/03/2021 13:31 (GMT+7)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,27%

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân dẫn đến chỉ số CPI tháng 3/2021 giảm như trên là do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào.

Trong mức giảm 0,27% của CPI tháng 3/2021 so với tháng trước, khu vực thành thị giảm 0,2%; khu vực nông thôn giảm 0,34%. Khu vực nông thôn có tốc độ giảm CPI nhiều hơn khu vực thành thị chủ yếu do mức giảm của chỉ số giá nhóm thực phẩm.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,27% (ảnh minh họa)


Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 3/2021, có 7 nhóm giảm giá so với tháng trước, 4 nhóm tăng giá.

Trong 7 nhóm hàng giảm giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm nhiều nhất, giảm 1,46% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,49 điểm phần trăm) do giá thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau tươi giảm mạnh nhờ nguồn cung dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,37%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,2%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28%.

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,29% (làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào thời điểm 25/02/2021, 12/3/2021 và 27/3/2021, trong đó giá xăng E5 tăng 1.550 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 1.770 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.200 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,24% do giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng làm cho giá vật liệu xây dựng tăng; giá gas tăng 1,37% do giá gas trong nước điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 15 USD/tấn (từ mức 595 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do giá thuốc các loại tăng 0,04%. Nhóm giáo dục tăng 0,01%, chủ yếu do giá văn phòng phẩm tăng.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2021 tăng 1,16%. Trong 11 nhóm hàng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giáo dục tăng cao nhất 4,04% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm nhiều nhất với 0,71% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu du lịch của người dân giảm.

So với tháng 12/2020, CPI tháng Ba tăng 1,31%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2%. Nhóm giao thông tháng 3/2021 tăng cao nhất với 6,24% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 5 đợt (ngày 11/01; 26/01; 25/02; 12/3; 27/3) làm cho giá xăng A95 tăng 2.570 đồng/lít so với tháng 12/2020; giá xăng E5 tăng 2.340 đồng/lít và giá dầu diezel tăng 1.870 đồng/lít.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,27%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.