0915 15 67 76 [email protected]
Chủ nhật, 20/06/2021 05:55 (GMT+7)

Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, loạt đại gia địa ốc liên tục phát hành trái phiếu

Trong 3 năm gần đây, Vinaconex (VCG), Hải Phát Invest (HPX), nhà Khang Điền (KDH) đều ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh liên tục âm.

Hải Phát  Invest, nhà Khang Điền phát hành trái phiếu riêng lẻ

Vừa qua, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) công bố phát hành riêng lẻ tối đa 400 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, lãi suất cố định 12%/năm.

Thời gian phát hành dự kiến diễn ra trong quý 3/2021. Thời gian đáo hạn trùng với ngày phát hành sau 4 năm kể từ ngày phát hành đầu tiên.

Với 400 tỉ đồng vốn huy động được, KDH sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải ngân dự kiến chậm nhất đến hết quý 3, sau khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Phối cảnh dự án Jamila quận 9 của Khang Điền. Ảnh: KDH

Trước đó, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) cũng phát hành thành công 650 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.

Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, ngày đáo hạn là 5/5/2024. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 9,5%/năm.

Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và quyền tài sản phát sinh tại dự án khu đất thương mại TM1 - Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP Nha Trang) của Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang. Bên cạnh đó là toàn bộ hơn 1,2 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Lê Việt Dũng và toàn bộ phần vốn góp (tối thiểu 78% vốn điều lệ) của Hải Phát tại công ty HP Hospitality.

Tương tự, HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng khoán, có bảo đảm.

Cụ thể, VCG sẽ phát hành 22.000 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng, tương đương tổng giá trị huy động tối đa 2.200 tỉ đồng.

Thời gian phát hành dự kiến trong quý 2 và 3/2021. Mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động phục vụ hoạt động kinh doanh. Trong đó, VCG sẽ tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (ITC) phát triển phân khu cao tầng CT02 của Dự án Cát Bà Amatina và các hạng mục hạ tầng của Dự án Cát Bà Amatina (để kết nối Phân khu CT02 thống nhất với toàn thể Dự án Cát Bà Amatina).

Lãi suất dự kiến áp dụng cho 4 kỳ điều chỉnh lãi suất đầu tiên là 8,5%/năm.

Được biết, tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cùng toàn bộ quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex tại các thửa đất có tổng diện tích khoảng 12,73 ha nằm trong Khu đô thị du lịch Cái Giá của dự án Cát Bà Amatina.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn gồm toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh mà Vinaconex sẽ được hưởng từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex phát triển Phân Khu CT02 và các hạng mục hạ tầng của dự án Cát Bà Amatina.

Phối cảnh dự án Cát Bà Amatina Hải Phòng.

Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà (Cát Bà Amatina) bắt đầu triển khai từ năm 2009. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên dự án bị đình trệ suốt nhiều năm, dẫn đến việc UBND TP Hải Phòng từng ra quyết định thu hồi đất. Đến tháng 11/2020, dự án mới được khởi động trở lại diện tích hơn 172 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.941 tỉ đồng.

Ban đầu, Vinaconex - ITC là công ty thành viên của Vinaconex với tỷ lệ sở hữu trên 53%. Tuy nhiên sau đó, công ty này tăng vốn từ 360 tỷ đồng lên 1.800 tỉ đồng nên tỷ lệ sở hữu của Vinaconex giảm còn gần 11%.

Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh từng cho biết cổ của Vinaconex-ITC đã đồng ý để Vinaconex nâng sở hữu lên chi phối. Do đó, Cát Bà Amatina là dự án trọng điểm của tổng công ty.

Dòng tiền âm liên tục vẫn 'miệt mài' phát hành trái phiếu lãi suất cao

Trong BCTC của doanh nghiệp thì Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể được coi là báo cáo quan trọng nhất, vì nó chỉ ra được tiền đi đâu về đầu, tại sao cả năm làm ăn có lãi mà trong năm thường xuyên thiếu tiền.

Một trong những dòng tiền quan trọng nhất trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ là Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (dòng tiền hoạt động kinh doanh). Nếu dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh có chiều hướng sụt giảm mạnh, thậm chí là âm liên tục trong nhiều quý nhiều năm liền sẽ khiến những nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Trong quý 1/2021, lợi nhuận tại VCG tăng đột biến với lãi sau thuế đạt hơn 345 tỉ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với quý 1/2020; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 341,5 tỉ đồng, tăng 411% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại VCG lại âm hơn 1.512 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm 1.061 tỉ đồng.

Năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh cũng âm 1.493 tỉ đồng, đến năm 2020 chỉ còn âm hơn 25 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quý 1/2021 lại bất ngờ âm nặng hơn.

Tính đến cuối quý 1/2021, nợ phải trả tại VCG tăng 11% lên mức hơn 13.804 tỉ đồng, chiếm tới 64% tổng tài sản và gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, hệ số khả năng thanh toán hiện hành tại VCG ở mức 1,4 lần cho thấy khả năng thanh toán hiện hành tại doanh nghiệp chưa cao. Đây là hệ số phản ánh mối quan hệ giữa tài sản ngắn hạn và các khoản nợ ngắn hạn.

Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại KDH cũng âm hơn 808 tỉ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 205 tỉ đồng. Dù dòng tiền âm nhưng lợi nhuận sau thuế tại KDH trong quý 1/2021 vẫn đạt gần 207 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; doanh thu thuần tăng 19%, đạt hơn 836 tỉ đồng.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh tại KDH âm hơn 808 tỷ đồng. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021)

Cùng hoàn cảnh, trong quý 1/2021, HPX ghi nhận doanh thu đạt 70,5 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt 56 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại HPX đang âm 355,4 tỉ đồng (cùng kỳ 2020 cũng âm gần 62 tỉ đồng). Năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh cũng âm hơn 735 tỉ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm, cả Vinaconex, nhà Khang Điền và Hải Phát Invest đều ghi nhận hệ số khả năng thanh toán nợ của dòng tiền rất thấp. Điều này cho thấy doanh nghiệp khó đảm bảo khả năng đáp ứng được nợ phải trả trong kỳ.

Đồng thời, hệ số khả năng nợ dài hạn của dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại cả 3 doanh nghiệp trên đều rất thấp. Dự báo trong tương lại doanh nghiệp khó có thể đảm bảo khả năng thanh toán nợ dài hạn.

Dòng tiền kinh doanh là tiền thu vào hoặc chi ra từ hoạt động sản xuất chính. Nếu tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm, cho thấy doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc khó thu hồi tiền…

Xét về trung và dài hạn, dòng tiền kinh doanh âm có tác động tiêu cực đến tài chính doanh nghiệp, như ứ đọng vốn, vốn bị chiếm dụng tăng, chi phí sử dụng vốn tăng… Nếu kéo dài, công ty sẽ mất khả năng thanh toán.

Dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất – kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Không có tiền trả nợ khi đến hạn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể bị chủ nợ yêu cầu làm thủ tục phá sản.

Cả VCG, HPX và KDH đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ và cũng có thể gặp khó trong việc chi trả cổ tức cho cổ đông.

Theo Hà Phương/Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, loạt đại gia địa ốc liên tục phát hành trái phiếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Tin mới