Đồng Nai mở rộng quy hoạch thêm gần 11 ngàn ha đất ở
Theo quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh dự kiến sẽ có hơn 30,2 nghìn ha đất ở tập trung nhiều ở khu vực TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Long Thành.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cho đến năm 2023, toàn tỉnh sẽ tăng thêm gần 11 nghìn ha đất ở. Diện tích đất ở tăng chủ yếu tại các dự án khu dân cư, khu đô thị có quy mô lớn như: Amata, Long Hưng (TP. Biên Hòa); Phú Thạnh - Long Tân - Vĩnh Thanh, Long Tân, Khu đô thị kết hợp với du lịch sinh thái Long Tân - Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch); Bình Sơn, Tam An (huyện Long Thành);…
Cụ thể, trên địa bàn huyện Long Thành sẽ tăng thêm gần 2.400 ha đất ở; huyện Nhơn Trạch tăng 2.050 ha đất ở, huyện Cẩm Mỹ tăng thêm gần 1.500 ha đất ở, TP. Long Khánh tăng gần 900 ha và huyện Thống Nhất tăng hơn 700 ha đất ở.
Ngoài ra, theo lý giải của chính quyền các địa phương, việc quy hoạch nhiều đất ở còn được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu để đón đầu các dự án có quy mô lớn về hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp đã và sẽ triển khai trong thời gian sắp tới.
Mà điển hình như huyện Long Thành, Nhơn Trạch quy hoạch nhiều đất ở cho các dự án khu dân cư để chờ dự án cầu Cát Lái, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3…
Hứa hẹn khi các dự án trên đã hoàn thành sẽ là đòn bẩy để thu hút nhiều người dân TP. HCM giãn dân về Đồng Nai, đồng thời các khu công nghiệp mở mới, mở rộng thu hút nhiều lao động trong và ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc.
Trong quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực xung quanh sân bay Long Thành cũng sẽ hình thành 3 đô thị lớn gồm: Long Thành, Bình Sơn và Phước Thái.
Hướng đến xây dựng thành vùng đô thị trung tâm, là cực phía Đông của TP. HCM, cửa ngõ giao thương của 3 vùng kinh tế, đầu mối giao thương quốc tế với các thế mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị, dịch vụ thương mại.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, kế hoạch của huyện là sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, thương mại dịch vụ để trở thành đô thị loại II vào năm 2025.
Do đó, trong giai đoạn 2021-2030, huyện sẽ chủ động thực hiện chuyển đổi hàng nghìn ha đất nông nghiệp để thực hiện kế hoạch trên, trong đó có 2.050ha sẽ được chuyển sang dạng đất ở để đáp ứng các nhu cầu thực tế ở địa phương.
Còn ở TP. Long Khánh, thời gian qua địa phương đã tích cực kêu gọi các nhà đầu tư vào hàng loạt dự án lớn như khu đô thị tại phường Suối Tre (khoảng 150ha), khu đô thị dọc trục đường tránh Quốc lộ 1 - Long Khánh (khoảng 300ha), khu đô thị dọc trục đường Vành đai 1 - Long Khánh tại phường Suối Tre và phường Bàu Sen (khoảng 200ha).
Đồng thời, từ khi có đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây với thời gian di chuyển từ TP. HCM về Long Khánh được rút ngắn chỉ còn gần 1 giờ, cộng với không khí trong lành nên đô thị này sẽ ngày càng được nhiều người dân lựa chọn là nơi an cư bền vững. Từ những yếu tố trên có thể thấy việc quy hoạch thêm đất ở trong thời điểm hiện tại là điều tất yếu của địa phương.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quy hoạch gần 300 dự án bất động sản nhà ở, đất nền. Trong đó, nhiều dự án đã có chủ đầu tư và đang triển khai thực hiện
Thực tế quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch, sự chồng chéo của chính sách làm chậm tiến độ. Đây cũng là một trong những lý do khiến hơn 8 năm qua, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi gần 1.000 dự án trên các lĩnh vực vì quá thời hạn.
Việc này đã ảnh hưởng đến quy hoạch của tỉnh, các địa phương và đời sống người dân trong vùng quy hoạch dự án. Hiện tại, Đồng Nai có gần 200 dự án quá hạn 3 năm đưa vào danh mục thu hồi đất nhưng chưa thực hiện được.
Mai Anh