0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 23/11/2022 08:14 (GMT+7)

Đồng Nai: Bất động sản 'đứng hình' khiến ngành xây dựng lao đao

Việc thị trường bất động sản đang bế tắc, nhiều đơn vị đã phải dừng, hoãn đầu tư, thi công một số dự án, dừng triển khai các dự án mới… điều này dẫn đến các doanh nghiệp ngành xây dựng tại Đồng Nai bị tác động trực tiếp, đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Ngành xây dựng lao đao

Theo báo cáo của các đơn vị tư vấn, hiệp hội bất động sản và Bộ Xây dựng đều cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng của thanh khoản liên quan đến bất động sản trong những tháng gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào thị trường giao dịch, tương đương khoảng 20% số lượng sản phẩm tung ra thị trường năm 2019. Tỉ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp đứng trước rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản.

Để tồn tại, nhiều đơn vị đã phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới… Hoạt động thi công đình trệ, các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng lập tức bị tác động mạnh.

Đồng Nai: Bất động sản “đứng hình” khiến ngành xây dựng lao đao - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp xây dựng tại Đồng Nai gặp khó khăn do thị trường bất động sản "đứng hình".

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hầu hết các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh vốn nhỏ, hoạt động dựa trên vốn tạm ứng một phần của chủ đầu tư, sau là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Tuy nhiên, hiện nay tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất cao nên nhiều doanh nghiệp xây dựng “đứng ngồi không yên”. Bên cạnh đó, nhu cầu xây nhà mới của người dân cũng sụt giảm so với những năm trước do chi phí “đội” lên, thậm chí có những khách hàng chủ động hoãn lại việc xây nhà, chờ tình hình tài chính đảm bảo mới triển khai tiếp.

Về vấn đề này, Giám đốc Công ty Xây dựng Bình An Lê (TP.Biên Hòa) Lê Thanh Hải chia sẻ, năm nay và tới thời điểm này, mặc dù doanh nghiệp vẫn có được việc làm cho người lao động nhưng tình hình thị trường khá ảm đạm. Hầu hết các công trình mà doanh nghiệp đã và đang làm trong năm nay là chuyển tiếp từ năm ngoái hoặc ký hợp đồng từ đầu năm. Càng về những tháng cuối năm, việc tìm kiếm hợp đồng xây dựng mới càng khó khăn hơn.

Tương tự, Công ty TNHH Minh Tân Tiến (TP.Biên Hòa) là một trong những đơn vị xây dựng lớn của Đồng Nai. Doanh nghiệp này đang trên đường đạt doanh thu hằng năm vào tốp ngàn tỷ đồng. Cũng như nhiều đơn vị khác, những biến động của thị trường thời gian qua khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng theo. Theo ông Lê Minh Tân, Giám đốc công ty, sự suy giảm của thị trường bất động sản nói chung và những khó khăn từ các đối tác cũng làm cho các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này chưa thể đạt như mong muốn. Chưa kể, suốt thời gian dài, giá cả nguyên, vật liệu cho việc thi công liên tục tăng cao đã nâng giá thi công các công trình lên đáng kể.

Bên cạnh đó, không chỉ các đơn vị thi công mà nhà cung cấp vật liệu cũng trong tình trạng khan hiếm đơn hàng. Chủ một doanh nghiệp chuyên cung ứng vật liệu xây dựng tại huyện Trảng Bom chia sẻ, đây là giai đoạn doanh thu về cung ứng vật liệu suy giảm. Nguyên nhân là các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng khó khăn chung và nhu cầu thị trường chững lại. Việc bán lẻ của doanh nghiệp tại các đại lý cũng như bán sỉ cho các dự án vì thế không mấy khả quan.

Cần các biện pháp để tháo gỡ khó khăn

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp thì thị trường bất động sản đang trong thời kỳ “đóng băng”, các công trình, dự án hạ tầng lớn gặp khó khăn về tiến độ bởi các nguyên nhân khác nhau kéo theo số lượng lớn nhà thầu xây dựng bị ảnh hưởng, thậm chí thua lỗ và đối mặt nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, khác với các ngành nghề khác, ngành xây dựng có số lượng lớn nhân lực làm theo thời vụ nên khi các doanh nghiệp gặp khó khăn tất yếu số lao động này bị ảnh hưởng theo.

Trong một động thái để gỡ khó cho lĩnh vực này, mới đây, Thủ tướng quyết định lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục khi những người đứng đầu các bộ ngành đưa ra chính sách gỡ vướng về room tín dụng, pháp lý…

Đồng Nai: Bất động sản “đứng hình” khiến ngành xây dựng lao đao - Ảnh 2
Thi trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Bên cạnh đó, thanh khoản yếu dẫn đến doanh thu của các doanh nghiệp giảm rất mạnh, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc...

“Nguồn vốn giống như mạch máu, nguồn ô xy của doanh nghiệp, giờ đang có dấu hiệu bị khóa van. Các chủ đầu tư dự án bất động sản đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng", ông Đính cho biết thêm

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, chỉ riêng bất động sản đóng góp 5-6% GDP cả nước, xây dựng cũng chiếm 5-6% GDP. Như vậy, ngành xây dựng và bất động sản đóng góp hơn 10% GDP của cả nước và là ngành nghề quan trọng của nền kinh tế. Việc thắt chặt tín dụng là đúng nhưng phải phân biệt dự án tốt, dự án xấu, dự án triển vọng và không triển vọng, nếu không thị trường sẽ “chết”.

“Bản thân doanh nghiệp phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính, tránh nguồn vốn phụ thuộc vào tín dụng quá sâu. Thị trường bất động sản có nhiều giải pháp, tăng trưởng nóng và chênh lệch nhiều phân khúc, trong đó thiếu nhà ở xã hội, người có nhu cầu thực. Cơ quan quản lý phải khắc phục hiện tượng đầu cơ làm sao đầu tư bất động sản lành mạnh, hiệu quả”, ông Ánh nói.

Về phía các doanh nghiệp, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Nhật Gia (TP.Biên Hòa) Bùi Vĩnh Nhật cho hay, mảng xây dựng của công ty đang rất nỗ lực để duy trì, tối ưu hóa sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Điều quan trọng đối với ông hiện nay là hạn chế tối đa nợ đọng từ các dự án.

“Chúng tôi phân tích thị trường và may mắn là thời gian qua đã lựa chọn hoạt động xây dựng độc lập, ít tham gia liên kết, làm thầu phụ cho các đơn vị lớn trong ngành bất động sản và chọn chủ đầu tư có nguồn tài chính bảo đảm thanh toán nên vẫn có thể trụ lại được. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác bung ra làm các công trình lớn từ đầu năm đến nay đang hết sức khó khăn vì nợ đọng” - ông Nhật chia sẻ.

Phạm Thạch

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Bất động sản 'đứng hình' khiến ngành xây dựng lao đao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới