Doanh nhân gây sốc: Chủ tịch Tân Hoàng Minh và Chủ tịch FLC là 2 cái tên được nhắc nhiều nhất
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã làm khuynh đảo thị trường, được dư luận đặc biệt chú ý trong 2 ngày liên tiếp.
Tân Hoàng Minh bất ngờ bỏ cọc dù quyết tâm xây tòa nhà tỷ phú trên lô đất Thủ Thiêm
Ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, UBND TP.HCM… xin rút khỏi dự án Thủ Thiêm đã đấu giá thành công vào giữa tháng 12/2021.
Trong tâm thư, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, ngày 10/12/2021 Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tham gia và trúng đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có diện tích hơn 10.000 m2 với giá 24.500 tỉ đồng (tính ra mỗi m2 đất trị giá 2,45 tỉ đồng), cách người trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỉ đồng là 700 tỉ đồng. Đây thực sự là mức giá cao bất ngờ mà ngay cả bản thân ông trước khi tham gia đấu giá cũng không ngờ đến.
Sau khi trúng đấu giá với mức cao như trên, các lãnh đạo tập đoàn đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Đấu giá của TP.HCM.
Đồng thời đã lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo thu hồi được vốn đầu tư và giữ gìn uy tín của tập đoàn mà ông và cộng sự đã xây dựng suốt 30 năm qua.
“Tuy nhiên, sau khi lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo chiều hướng khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy là có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt.
Đặc biệt là sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.
Để đảm bảo một phần sự ổn định của thị trường kinh doanh bất động sản, tuân thủ tôn chỉ sống và làm việc là luôn luôn đặt lợi ích chung của tập thể, xã hội lên trên lợi ích của cá nhân và bản thân.
Chính vì vậy tập đoàn này tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng đã được ký kết ba bên giữa tôi với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Đấu giá của TP.HCM và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công”, ông Đỗ Anh Dũng chia sẻ trên tâm thư.
Được biết để đặt cọc mua lô đất này, Công ty Ngôi Sao Việt đã đặt cọc số tiền 600 tỉ đồng và cũng đã ký hợp đồng với Trung tâm Đấu giá của TP.HCM và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM.
Ông Dũng cũng từng tiết lộ sẽ xây ở đó một tòa nhà có tên là D'Billionaire - tòa nhà tỷ phú. Những người giàu và siêu giàu có nhu cầu và mong muốn được sở hữu một căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đáng sống nhất của thế giới có thể đến đây để mua những căn hộ vài ba triệu đô - một cái giá mà đối với đất nước họ là rất rẻ.
"Với giới "siêu giàu" thì mức giá vài triệu USD cho một căn hộ không phải là vấn đề lớn. Vấn đề là phải tạo ra được một sản phẩm xứng tầm để họ cảm thấy hài lòng.
HoSE huỷ giao dịch "bán chui" 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết
thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/1/2022 về việc bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) sẽ huỷ giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 10/1/2022.
Trước đó, chiều 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Về việ này, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải đánh giá, lần bán "chui" này của ông Trịnh Văn Quyết ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (nhà đầu tư F0), gây tổn hại đến niềm tin của thị trường. Luật Chứng khoán đã nghiêm cấm hành vi trục lợi, thu lợi bất chính từ chứng khoán. Theo đó, đại diện VAFI đề nghị cần có những chế tài nghiêm khắc hơn để những hành vi này không tái diễn nữa.
"Ông ấy bán bao nhiêu phải mua lại bấy nhiêu" - đại diện VAFI nêu quan điểm. Theo ông, tiếp đó, cơ quan quản lý cần tính đến các bước xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cao hơn với hành vi bán "chui" cổ phiếu để răn đe. Vì nếu hành vi bán "chui' cổ phiếu mà chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu đến trăm triệu đồng thì không thấm là bao so với những thiệt hại của thị trường và nhà đầu tư phải gánh chịu.
Trước đó, hồi cuối năm 2017 ông từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt vi phạm hành chính do "bán chui" 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo trước. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỷ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng.
Cũng trong thời gian đó, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Quyết làm chủ tịch hội đồng quản trị cũng bị "dính chàm" khi SSC ra quyết định xử phạt với cùng nguyên nhân đã "bán chui" hơn 13,69 triệu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỷ đồng, song mức phạt chỉ 130 triệu đồng.
Ngay từ khi mở phiên giao dịch hôm nay (11/1), cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) cùng các mã cổ phiếu liên quan đã liên tục giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, 5 trong số 7 cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc “họ” FLC ghi nhận mức giảm đến 9,5% xuống giá sàn.
Các doanh nghiệp có cổ phiếu giảm sàn bao gồm CTCP Chứng khoán BOS (mã ART), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (mã: KLF), CTCP Nông dược HAI (mã: HAI), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã: AMD) và CTCP Xây dựng FLC Faros (mã: ROS).
Hai thành viên còn lại cũng không mấy tích cực khi cổ phiếu FLC giảm 5,9% và cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và quản lý tài sản FLC giảm 0,2%.