Doanh nghiệp Italia muốn đầu tư lĩnh vực logistics, năng lượng sạch tại Bình Dương
Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Italia.
Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Chính phủ Italia.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tính chung trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp Italia đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư mới, 1 dự án đăng ký điều chỉnh vốn và 18 lượt góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 8,6 triệu USD.
Lũy kế các dự án đầu tư còn hiệu lực đến tháng 11/2021, Italia có 130 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 400 triệu USD, xếp thứ 35 trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến 15/11/2021, tỉnh Bình Dương đã thu hút 64 dự án mới, 24 dự án điều chỉnh vốn và 161 dự án đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ đô la Mỹ.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 4.012 dự án đầu tư nước ngoài từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 37,1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 8 dự án đầu tư Italia với số vốn là 63,8 triệu đô la Mỹ. Bình Dương là địa phương đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau TP.HCM.
Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài, trong đó có vùng Emilia –Romagna của Cộng hòa Italia. Mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương đã và đang triển khai có hiệu quả và đi vào chiều sâu.
Bên cạnh đó, Vùng Emilia – Romagna cũng đã thành lập Văn phòng đại diện tại tỉnh Bình Dương từ năm 2015 hỗ trợ xúc tiến đầu tư song phương. Ngoài ra, Tổng công ty Becamex cũng ký kết và triển khai hợp tác hiệu quả với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Vùng Emilia –Romagna và vùng Veneto.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ trên nền tảng công nghiệp 4.0 từ các nước phát triển, đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại, trong đó có đối tác Ý.
Ngài Tổng lãnh sự Italia tại TP.HCM nhận định, Bình Dương là một trong những địa phương của Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn có sự tăng trưởng, đây là thành tựu đáng ghi nhận.
Bình Dương cũng là địa phương có nhiều giải pháp khống chế và kiểm soát dịch bệnh khá tốt, đến nay Bình Dương đã trở lại trạng thái bình thường mới. Chính quyền tỉnh Bình Dương luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát lần thứ 4.
Định hướng phát triển của Bình Dương trong tương lai cũng chính là điều mà Chính phủ Italia đang thực hiện với các đối tác châu Âu như tập đoàn CG tại Hà Lan, dưới phương thức hợp tác hai bên đều có lợi (win-win), trên nền tảng bền vững và phát triển công nghệ, đáp ứng đúng các thách thức của thời điểm toàn cầu hoá hiện nay.
Đánh giá cao môi trường đầu tư của Bình Dương, các doanh nghiệp Italia quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư như logistics, năng lượng sạch; sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu đi các nước trên thế giới; trang thiết bị an toàn cho người lao động…
Ông Andrea Geuin, Giám đốc Công ty Bonfiglioli khu vực Đông Nam Á cho biết, Công ty có một nhà máy sản xuất các thiết bị tự động hóa ở Bình Dương. Những năm qua, Công ty có sự tăng trưởng ổn định và có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Thời gian tới, Công ty sẽ nghiên cứu các ứng dụng di động, phát điện, tua pin năng lượng… để phát triển mở rộng nhà máy tại Bình Dương.
Ông Andrea Geuin khẳng định: “Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy tại Bình Dương và liên kết với trường đại học để triển khai các dự án của công ty, nhất là các dự án công nghệ cao”.
Các doanh nghiệp Italia hoạt động tại Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.
Các dự án đầu tư trực tiếp của Italia vào Việt Nam chưa nhiều, nhưng những dự án lớn nhất đều nằm trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo như Bonfiglioli (sản xuất động cơ), Piaggio (sản xuất, lắp ráp xe máy), Danieli Officina (sản xuất thép), Fiat Iveco (liên doanh ôtô Mekong), Datalogic, Ariston (sản xuất bình nước nóng).
Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, chế biến đá của Việt Nam đang sử dụng máy móc, công nghệ của Italia. Thiết bị luyện thép của hãng Danieli đã có mặt tại trên 10 dự án ở Việt Nam, trong đó có Nhà máy thép Phú Mỹ, Nhà máy thép Việt – Ý.