ĐBQH: Cơ sở nào Vườn Vua Resort & Villas dám khẳng định có khoáng nóng lâu dài?
ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An khẳng định, nếu chủ đầu tư không được cấp phép khai thác khoáng nóng thì lấy gì đảm bảo việc dự án luôn được sử dụng nguồn khoáng nóng một cách lâu dài, ổn định.
Phụ thuộc nguồn khoáng nóng của đơn vị khác?
Thời gian gần đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường, cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã liên tiếp đăng tải loạt bài viết liên quan đến bất cập trong việc khai thác tài nguyên khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trong đó có hai dự án bất động sản nghỉ dưỡng quảng cáo là sử dụng nguồn nước khoáng nóng là dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy của chủ đầu tư Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji và Dự án Vườn Vua Resort & Villas, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ.
Theo đó, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đang sở hữu nguồn khoáng nóng đặc biệt hiếm có. Nhìn thấy lợi thế từ nguồn khoáng nóng đặc thù của vùng đất này, nhiều nhà đầu tư đã đến Thanh Thủy xây dựng dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Và, lợi dụng vào nguồn tài nguyên quý hiếm, hữu hạn này, không ít chủ đầu tư rao bán các sản phẩm trong dự án của mình với giá "trên trời".
Dự án khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua (Vườn Vua Resort & Villas) nằm tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ do Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ (Công ty thành viên của Công ty Tập đoàn đầu tư Thăng Long (TIG) làm chủ đầu tư vừa qua cũng liên quan đến lùm xùm về việc quảng cáo khai thác khoáng nóng.
Theo quảng cáo, mục tiêu của dự án khu biệt thự, sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua là đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với hàng trăm căn biệt thự liền kề tiêu chuẩn 5 sao phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng còn các hạng mục tiện ích khác tại dự án như bể bơi khoáng nóng, sân golf, khu vui chơi giải trí…
Tuy nhiên, ngày 17/6, trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) khẳng định, chủ đầu tư dự án Vườn Vua Resort & Villas là Công ty CP đầu tư Thăng Long Phú Thọ chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng nóng tại địa bàn huyện Thanh Thủy.
Trước đó, tháng 3/2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã xử phạt Công ty Thăng Long Phú Thọ số tiền 120 triệu đồng về hành vi khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất không có giấy phép tại khu vực dự án Vườn Vua Resort & Villas. UBND tỉnh Phú Thọ đồng thời yêu cầu công ty này phải thực hiện ngay thủ tục cấp giấy phép khai thác nguồn nước dưới đất và chấp hành các quy định của Luật Tài nguyên nước.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng: “Nếu chủ đầu tư không được cấp phép khai thác khoáng nóng thì lấy gì đảm bảo việc dự án luôn được sử dụng nguồn khoáng nóng một cách lâu dài, ổn định. Bởi chủ đầu tư sẽ bị phụ thuộc vào thời hạn khai thác khoáng nóng của đơn vị khác”.
Dự án bất động sản nghỉ dưỡng Vườn Vua Resort&Villas tại địa bàn Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ quảng cáo các hạng mục về nước khoáng nóng nhưng chủ đầu tư dự án chưa có giấy phép khai thác nguồn khoáng sản này. |
Dưới góc nhìn khoa học, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Tiến sĩ Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) khẳng định giá trị, tiềm năng của nguồn nước khoáng nóng trên địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, Tiến sĩ Hải cũng nhấn mạnh vai trò quản lý của UBND tỉnh Phú Thọ trong việc khai thác khoáng sản.
Phó Chủ tịch VIASEE cho biết, trước hết cần phải hiểu đúng về khái niệm khoáng nóng. Nước khoáng nóng là nước khoáng có nhiệt độ theo quy định >30 độ C và chứa một nồng độ khoáng chất hòa tan nhất định, nằm trong lòng đất ở những khu vực nhất định, thường là các đứt gãy địa chất. Về bản chất, nước khoáng chính là nước bề mặt (nước mưa, nước sông hồ, nước ngầm) theo hệ thống khe nứt và đứt gẫy xuống sâu, sau đó thoát lên mặt đất dưới dạng nước khoáng.
Nước khoáng có nhiệt độ cao và lượng muối khoáng hòa tan là do nhiệt độ lòng đất tăng khi xuống sâu, thường cứ xuống sâu 33 m thì nhiệt độ tăng lên 10 độ C (người ta gọi gradient nhiệt của trái đất là 33 m). Ví dụ, khi xuống sâu 1 km, nhiệt độ của nước sẽ tăng thêm khoảng 33 độ C so với ban đầu. Cho nên nước khoáng thường hình thành ở các miền núi cao mới thoát ra ở vùng trung lưu hay vùng đồng bằng. Lưu lượng nước khoáng nóng sẽ phụ thuộc vào cấu tạo và nguồn cung cấp nước của đứt gãy chứa nước.
Một số hạng mục đang được tiến hành san lấp mặt bằng tại Vườn Vua Resort&Villas. |
Nước khoáng huyện Thanh Thủy có nguồn là nước trong đứt gãy địa chất kéo dài từ Thạch Khoán tới bờ sông Đà (mỏ nước khoáng xóm Bảo Yên). Theo một số nhà địa chất, đứt gãy đó còn cắt qua sông Đà để tạo nên mỏ nước khoáng nóng xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, bên hữu ngạn sông Đà thuộc TP.Hà Nội.
Tiến sĩ Lưu Đức Hải thông tin, theo thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, lưu lượng có khả năng khai thác của mỏ nước khoáng Thanh Thủy (Bảo Yên) là 2.000 m3/ngày đêm. Vì là dạng nước có số lượng giới hạn và có giá trị kinh tế, nên nước khoáng cần phải được quản lý, và ai khai thác phải có giấy phép theo Luật Tài nguyên khoáng sản.
"Nước khoáng Thanh Thủy được đánh giá tốt về sự ổn định nhiệt độ và hàm lượng khoáng chất đi kèm. Theo một số nhà địa chất, nước khoáng Thanh Thủy còn có một thành phần mà hầu hết (300 điểm khác) nước khoáng của Việt Nam không có, đó là Radon", Tiến sĩ Lưu Đức Hải khẳng định.
VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng
Liên quan đến tình trạng khai thác khoáng nóng không phép tại huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), ngày 22/7, VIASEE có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản.
Theo đó, văn bản số 11/TN-BCH do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, phụ trách Khối Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường ký, kiến nghị của VIASEE gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản, trong đó có tài nguyên khoáng nóng tại tỉnh Phú Thọ. Văn bản này được xem là ý kiến chung của các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.
VIASEE khẳng định, Việt Nam may mắn khi có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Trong đó, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc tài sản quan trọng của quốc gia nhưng đang dần cạn kiệt bởi tình trạng khai thác “nóng”.
Gần đây nhất, Tạp chí Kinh tế Môi trường – cơ quan ngôn luận của VIASEE đã có tuyến bài phản ánh tình trạng khai thác tài nguyên khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ để phục vụ các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng. Cụ thể là Dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy do Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji làm chủ đầu tư và Dự án Vườn Vua Resort & Villas, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ.
Theo đó, lợi dụng vào nguồn tài nguyên khoáng nóng (khoáng sản hữu hạn), doanh nghiệp xin cấp phép xây dựng các dự án. Họ liên doanh với doanh nghiệp khác, khai thác khoáng nóng đem bán vào dự án bất động sản, nghỉ dưỡng rồi “thổi giá” dự án.
"Chúng ta cần những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để giữ lại nguồn lực cho tương lai, khai thác hợp lý tạo nguồn lực làm giàu cho đất nước. Đặc biệt, VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan ban ngành Trung ương tăng cường giám sát, chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương và vụ việc khai thác nguồn khoáng nóng quý giá tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ", Văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng của VIASEE khẳng định.
Theo Tiến sĩ Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, quy định của luật pháp là khi khai thác tài nguyên phải có giấy phép. Không chỉ Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), hiện nay còn rất nhiều điểm nước khoáng nóng khác trên lành thổ Việt Nam đang khai thác và sử dụng không đúng mục đích và thiếu sự quản lý của chính quyền. Điều này khiến nguồn khoáng sản bị thất thoát, gây lãng phí và ngày càng cạn kiệt. |