Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ: Wyndham Thanh Thủy chưa có chức năng khai thác khoáng nóng
Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết, Wyndham Thanh Thủy chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng nóng. Như vậy, chủ đầu tư chưa thể thực hiện hoạt động khai thác loại tài nguyên này.
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường liên tiếp có bài viết phản ánh về dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy (gọi tắt là Wyndham Thanh Thủy) với các hoạt động quảng cáo thiếu minh bạch về nguồn nước khoáng nóng.
Dù chưa có giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji vẫn tiến hành các hoạt động quảng bá rầm rộ về các khu khoáng nóng. Tại chính sách bán hàng của chủ đầu tư, nguồn nước khoáng nóng đều được khẳng định sẽ được dẫn lên từng căn hộ.
Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ khẳng định, chủ đầu tư dự án Wyndham Thanh Thủy chưa có chức năng khai thác khoáng nóng trên địa bàn này. |
Trên website chính thức của dự án Wyndham Thanh Thủy, chủ đầu tư cũng nhấn mạnh về “khả năng chữa bệnh của suối nước nóng”.
Thực tế, Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji chưa được cấp phép bất kỳ một hoạt động khai thác khoáng sản nào trên địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, đại diện Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji không có giấy phép thăm dò khai thác nước khoáng nóng. Việc đánh giá trữ lượng tại địa bàn này dựa trên cơ sở kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng do Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia thẩm định”.
Về việc Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji chưa có giấy phép khai thác khoáng nóng cũng đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) khẳng định trước đó.
Giấy phép khai thác khoáng sản (trong đó có nước khoáng nóng) là giấy phép phải được Bộ TN&MT thẩm định và cấp phép. Điều này được quy định tại Điều 9, Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ và Điều 3, Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản ban hành kèm theo Quyết định số 06/2003/QĐ-BTNMT ngày 19/2/2003 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản sản.
Cụ thể, Bộ TN&MT cấp các loại giấy phép bao gồm giấy phép khảo sát khoáng sản; giấy phép thăm dò khoáng sản; giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản các loại, trừ giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nếu muốn thực hiện hoạt động khai thác khoáng nóng tại dự án Wyndham Thanh Thủy, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji phải có giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp phép trên địa bàn này.
Chiếu theo quy định này, có thể thấy chủ đầu tư dự án Wyndham Thanh Thủy chưa đủ năng lực để khai thác nguồn nước khoáng nóng. Vì vậy, các nội dung quảng cáo cho rằng dự án này có nguồn khoáng nóng để làm công viên khoáng nóng, bể bơi hay dẫn lên từng căn hộ để người dân sử dụng có dấu hiệu “thiếu minh bạch”, “treo đầu dê bán thịt chó”.
Tại công văn số 158 gửi Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh, việc chủ đầu tư dự án quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sử dụng nguồn khoáng nóng là gây hiểu lầm đối với các khách hàng, dư luận.
Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở VHTT&DL kiểm tra, làm rõ các hoạt động quảng cáo của Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji.
Điều đáng nói, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ Nguyễn Khắc Thủy lại cho rằng nội dung trên không thuộc thẩm quyền của đơn vị này.
“Sở VHTT&DL chưa nhận được bất kỳ công văn chỉ đạo nào của UBND tỉnh Phú Thọ về vấn đề này. Ngoài ra, Sở VHTT&DL chỉ có thẩm quyền xử lý các nội dung và hình thức quảng cáo sai phép trên các phương tiện ngoài trời như việc treo banner, băng rôn hoặc áp phích. Còn đối với các hoạt động trên các trang điện tử hay mạng xã hội, thẩm quyền kiểm tra xử lý thuộc Sở Thông tin và Truyền thông”, ông Nguyễn Đắc Thủy khẳng định.
Trong khi những lùm xùm về các hoạt động quảng cáo và khai thác nước khoáng nóng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì mới đây tại dự án Wyndham Thanh Thủy tiếp tục để xảy ra sự cố nghiêm trọng về tai nạn lao động.
Ông Hoàng Việt Sơn, Trưởng công an huyện Thanh Thủy cho biết, sự việc đáng tiếc xảy ra vào lúc 8h15 ngày 29/5/2021. Bà T.T.M (SN 1958, thường trú ở Khu 4, xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy) trong quá trình quét dọn tại dự án Wyndham đã bị tai nạn và tử vong. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Liên quan đến vấn đề an toàn lao động tại công trình xây dựng, trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Phi Hùng, Chánh thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đã nắm được các thông tin liên quan đến vụ tai nạn lao động tại dự án Wyndham Thanh Thủy. Ngay khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, đại diện Thanh tra Sở LĐTB&XH đã sang làm hiện trường cùng với cơ quan công an. Sở cũng đã yêu cầu Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji thực hiện nghĩa vụ khai báo tai nạn lao động sau khi xảy ra vụ việc. Tuy nhiên đến nay Sở vẫn chưa nhận được báo cáo của họ.
Ông Hùng thông tin thêm, nghĩa vụ khai báo tai nạn lao động phải được thực hiện sau khi xảy ra tai nạn. Đại diện Thanh tra Sở LĐTB&XH đã gọi điện yêu cầu Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji sớm hoàn thành nghĩa vụ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thực hiện.
Liên quan đến những vi phạm của dự án Wyndham Thanh Thủy, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm đặt ra nhiều câu hỏi trong vấn đề năng lực và lĩnh vực hoạt động của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji. “Thứ nhất là đây là một dự án xây dựng bất động sản nhưng chủ đầu tư lại là doanh nghiệp chuyên về du lịch và quản lý khách sạn. Tôi không hiểu tại sao một tập đoàn về khách sạn lại đi quảng cáo bán các căn hộ là một dạng nhà ở. Phải chăng họ đang đi theo vết xe đổ của căn hộ du lịch kiểu như condotel? Cần làm rõ vấn đề có phải khi chủ đầu tư xin phép thực hiện dự án là xin phép xây khách sạn, nhưng khi tiến hành rao bán lại đang bán ra một dạng sản phẩm là bất động sản? Điều này trái với những quy định của pháp luật hiện hành", Luật sư Trương Anh Tú nêu ý kiến. Theo Luật sư Trương Anh Tú, đối với vấn đề này, các cơ quan về du lịch và xây dựng ở địa phương cần phải vào cuộc thanh kiểm tra để xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật. Cũng cần phải nói thêm, trong thời gian qua những hành vi vi phạm pháp luật tương tự trên cả nước đã không được xử lý một cách phù hợp nên một số chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn luật”. Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh: "Đối với dự án Wyndham Thanh Thủy, chủ đầu tư đã “nổ” khi cho rằng mình cung cấp một loại nước khoáng có lợi cho sức khỏe. Vì thực tế, Bộ TN&MT khẳng định là chưa cấp bất kỳ một giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nào cho họ cả. Căn cứ vào những quảng cáo của chủ đầu tư, có thể xem đây là một hành vi quảng cáo gian dối. Hành vi này cũng không phù hợp với các quy định của pháp luật về quảng cáo, thậm chí còn có những biểu hiện không trung thực với khách hàng". |
PV sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường