Đã đến lúc vào cuộc bình ổn giá vàng, phải kéo giá vàng SJC về sát giá thế giới!
"Không một thị trường nào giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20% như tại Việt Nam!", ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nói.
Vàng trong nước chênh giá 'vô lý' so với giá vàng thế giới
Cuối ngày 10/3, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 67,8 triệu đồng/lượng, bán ra 69,6 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 700.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước. Trong khi một số tiệm vàng nhỏ lẻ mua vào tới 68,5 triệu đồng/lượng.
Trong ngày, có thời điểm giá vàng SJC rớt còn 65,5 triệu đồng/lượng mua vào, 67,5 triệu đồng/lượng bán ra, "bốc hơi" gần 7 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng vài ngày trước đó..
Một diễn biến khá lạ là các doanh nghiệp, tiệm vàng đều cho biết những ngày qua, giao dịch vàng SJC không có gì đột biến, cũng không có cảnh xếp hàng hoặc đổ xô đi mua vàng nhưng giá vàng SJC vẫn được niêm yết rất cao so với vàng trang sức, vàng nhẫn 24K và vàng thế giới, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Tới cuối ngày 10/3, giá vàng SJC vẫn đang cao hơn vàng thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng và hơn 13 triệu đồng so với vàng nhẫn 24K.
Đã đến lúc vào cuộc bình ổn giá vàng
Ông Huỳnh Trung Khánh cho biết, giá vàng SJC cách biệt với giá thế giới những năm trước chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/lượng nhưng đến thời điểm hiện tại có lúc lên tới hàng chục triệu đồng/lượng, là quá vô lý. Nhiều năm qua, VGTA đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới.
"Mức chênh lệch quá này trở thành "hiện tượng kỳ cục" của giá vàng, trong khi những người có nhu cầu mua vàng thương hiệu quốc gia lại bị thiệt vì giá bị đẩy lên quá cao", Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nói.
Thực tế, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt nguồn cung vàng miếng thông qua việc quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết từ khi có Nghị định 24, vàng không còn là vật trung gian thanh toán trong nền kinh tế, không phải phương tiện đo lường giá trị tài sản lớn nên thực tế giá vàng tăng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng làm cho không ít người đổ xô vào mua bán vàng lướt sóng, kiếm lời và từ đó một lượng tiền lớn sẽ chuyển vào kinh doanh vàng.
Việc chuyển nguồn vốn vào vàng sẽ giảm nguồn vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của nền kinh tế. "Vì vậy, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, để khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, thị trường vàng ổn định thời gian qua góp phần hiệu quả cho công cuộc chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế. Đồng thời, việc chống vàng hóa, đô-la hóa thành công cũng là cơ sở để trả lại thị trường vàng về bản chất như một loại hàng hóa thông thường, bởi vàng hiện không còn là phương tiện thanh toán, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động, cho vay vàng từ khi có Nghị định 24.
"Có thể điều chỉnh chính sách để các doanh nghiệp được quyền tự đăng ký thương hiệu vàng miếng của mình và tự chịu trách nhiệm, sản xuất - kinh doanh như các loại vàng trang sức, vàng nhẫn hiện nay, thay vì chỉ có một loại vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất", ông Huỳnh Trung Khánh kiến nghị.
Các chuyên gia cho rằng việc để giá vàng trong nước và thế giới quá cách biệt còn làm tăng nguy cơ buôn lậu vàng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần theo dõi hiện tượng đầu cơ, làm giá hoặc nhập lậu vàng để có thể can thiệp kịp thời.