Tại sao giá vàng trong nước lên thì 'đi thang máy', xuống thì 'đi thang bộ'?
Nhà đầu tư cá nhân vội mua rồi lại vội bán, nhà kinh doanh vàng đang "tát nước theo mưa" khi lợi dụng đà tăng của giá vàng thế giới để liên tiếp nâng giá vàng SJC từ đó tạo "sóng"... là những lý do khiến giá vàng trong nước chênh lệch đến khó tin.
Chiều ngày 7/3, giá vàng miếng SJC đã đạt mức kỷ lục mới 74 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới một lần nữa chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 55,41 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, mức kỷ lục này không giữ được lâu do vàng thế giới giảm về vùng giá 1.992 USD/ounce lúc 17h tối 7/3, kéo giá bán vàng miếng SJC rớt về ngưỡng 73,7 rồi 73,5 triệu/lượng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giá vàng vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce tạo tiền đề cho kim loạt quý này chinh phục mốc tiếp theo là 2.200 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước có thể lên tới 77 triệu đồng/lượng.
"Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine ngày một leo thang, nhu cầu tìm đến tài sản trú ẩn như vàng trên thế giới rất lớn. Điều này khiến giá vàng liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Giá vàng đã vượt 2.000 USD/ounce và cho thể tăng thêm 10% từ mốc này lên 2.200 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước là 77 triệu đồng/lượng", ông Hiếu nhận định.
Dễ thấy, trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, giá vàng trong nước có vẻ đang tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới. Chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua, giá vàng SJC tăng khoảng 23%. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng 7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ của giá vàng trong nước.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Hiếu cho rằng sở dĩ giá vàng trong nước tăng mạnh vì yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư vàng Việt Nam thực sự rất "yếu tim" và "nhạy bén" theo nghĩa tiêu cực đối với giá vàng thế giới. Phần lớn là nhà đầu tư cá nhân vội mua rồi lại vội bán", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, vị này cho rằng các nhà kinh doanh vàng đang "tát nước theo mưa" khi lợi dụng đà tăng của giá vàng thế giới để liên tiếp nâng giá vàng SJC từ đó tạo "sóng".
"Các nhà kinh doanh vàng đang lợi dụng giá vàng thế giới biến động mạnh để tăng giá vàng chứ thực chất nhu cầu kim loại quý này ở Việt Nam không cao như thế giới. Các nhà kinh doanh vàng phải có sóng thì mới dễ kiếm lới chứ nếu thị trường bình ổn thì rất khó", ông Hiếu nhận định.
Hiện tại, khoảng cách giá vàng trong nước và vàng thế giới đang ở ngưỡng khá cao, có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng SJC rất nhạy cảm với đà tăng trong khi "vô cảm" với đà giảm của vàng thế giới. Điều này khiến khoảng cách giá giữa hai thị trường ngày càng nới rộng thêm.
Giải thích việc giá vàng trong lên thì "đi thang máy" cùng giá thế giới còn xuống thì "đi thang bộ", TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ cho rằng việc nhập khẩu vàng miếng hoàn toàn do nhà nước kiểm soát nên giá trị vàng trong nước sẽ cao hơn. Điều này khiến vàng trong nước không hoàn toàn "thông" với giá vàng thế giới.