Cổ phiếu ‘họ FLC’ được giải cứu, phá tan nghi ngờ ngày cá tháng Tư
Khối lượng khớp lệnh cả nhóm FLC khoảng hơn 222 triệu đơn vị, tăng đột biến so với những phiên đầu tuần. Nhiều mã tím trần cùng tình trạng "trắng bên bán".
Khối lượng khớp lệnh cả nhóm FLC khoảng hơn 222 triệu đơn vị, tăng đột biến so với những phiên đầu tuần. Nhiều mã giữ vững sắc tím trần đến khi đóng cửa cùng tình trạng "trắng bên mua".
Bất chấp những tin tức tiêu cực về các lãnh đạo chủ chốt ngành chứng khoán bị xem xét kỷ luật, VN-Index vẫn tăng mạnh mở màn quý 2/2022 với một phiên giao dịch tràn ngập màu xanh, dẫn dắt đà tăng mạnh đó là các cổ phiếu rổ VN30.
Các cổ phiếu lớn trong phiên 1/4 được xem như những "công thần" góp công lớn vào đà tăng của thị trường. Cụ thể, những "công thần" giúp VN-Index tăng 24 điểm và VN30 tăng 33,9 điểm phiên 1/4 gồm: MWG tăng trần lên mức 156.000 đồng/cổ phiếu, MSN tăng 3% lên 146.500 đồng/cổ phiếu, FPT tăng 3,7% lên mức 111.000 đồng/cổ phiếu, PNJ tăng 6,1% lên mức 117.200 đồng/cổ phiếu, NVL tăng 3,1% lên mức 82.600 đồng/cổ phiếu, BVH tăng 3,1% lên mức 63.400 đồng/cổ phiếu, PDR tăng 3.6%…
Nhóm cổ phiếu bank tích cực và đóng góp nhiều cho mức tăng của VN30 nhất đó là VPB tăng 3,8%, HDB tăng 3,9%, BID tăng 2%, TPB tăng 2,7%. Ngoài ra CTG, TCB, STB,… cũng có mức tăng khá.
Ghi nhận trong phiên 1/4, loạt cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC có dấu hiệu phục hồi khi lực cầu bắt đáy bất ngờ xuất hiện, "giải cứu" hàng chục triệu cổ phiếu nằm sàn ròng rã những phiên vừa qua.
Cụ thể, gần 53 triệu cổ phiếu FLC và 46 triệu cổ phiếu ROS giá sàn được hấp thụ ngay từ những phút đầu phiên chiều, cộng thêm hàng chục triệu đơn vị được khớp lệnh sau đó. Thị giá hai cổ phiếu này theo đó cũng 'thoát sàn', chốt phiên ghi nhận giảm lần lượt 1,4% xuống 10.850 đồng/cp và giảm 2% xuống 6.920 đồng/cp.
Tín hiệu "giải cứu" thể hiện rõ hơn ở các cổ phiếu còn lại trong hệ sinh thái của FLC. Cụ thể, KLF của Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS và ART của Chứng khoán BOS trên sàn HNX đều tăng 10% lên lần lượt 5.500 đồng/cổ phiếu và 8.800 đồng/cổ phiếu.
Tại sàn HOSE, hai mã là HAI của Nông dược H.A.I và AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, sau 4 phiên giảm sàn liên tiếp, hôm nay đã quay đầu tăng hết biên độ 6,9% để giữ vững sắc tím trần đến khi đóng cửa cùng tình trạng "trắng bên bán".
Thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể. Trừ GAB không giao dịch, tổng cộng nhóm cổ phiếu thuộc họ FLC hôm nay được khớp lệnh khoảng hơn 222 triệu đơn vị, tăng đột biến so với những phiên liên trước khi thanh khoản "mất hút".
Trước phiên 1/4 này, nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC trong 4 phiên đầu tuần qua đã liên tục bị bán tháo do những thông tin tiêu cực liên quan đến việc Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị cấm xuất cảnh và bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán.
Sau khi bị bắt, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC đã có văn bản ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến điều hành toàn bộ hoạt động của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.
Gần đây nhất, ông Đặng Tất Thắng chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC và CTCổ phần hàng không Tre Việt từ ngày 31/3/2022 cho đến khi có quyết định mới của ĐHĐCĐ và HĐQT.
Ở phiên sáng 1/4, nhóm cổ phiếu này dần hồi phục, trên các trang mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư bất ngờ trước lần vực dậy sớm hơn dự kiến của nhóm cổ phiếu đầu cơ, kèm theo đó là sự nghi ngờ một “cú lừa” vào ngày cá tháng Tư. Tuy nhiên, thị trường kết thúc với sắc tím đầy mộng mơ.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mới đây đưa ra nhận định, thị trường chứng khoán vẫn tích cực nhờ yếu tố nền tảng, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các sự việc đơn lẻ. Dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.
Hà Anh