0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 30/03/2022 16:52 (GMT+7)

Ngoài hệ sinh thái FLC, thêm một nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm sàn trong phiên 30/3

Nhiều mã nhóm phân bón đã có phiên giảm sàn mạnh. Cụ thể, DPM đã giảm sàn 7% xuống 68.200 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 15 triệu đơn vị; DCM giảm sàn 6,9% xuống 44.500 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 15 triệu đơn vị.

Đóng phiên giao dịch ngày 30/3, ngoại trừ tâm điểm là "họ FLC" tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp thì loạt cổ phiếu hàng hóa cơ bản cũng đều điều chỉnh dưới áp lực bán mạnh mẽ. Sắc đỏ ghi nhận tại hầu hết các cổ phiếu, thậm chí nhiều mã giảm gần hết biên độ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Cụ thể, cổ đông thép lại có phiên giao dịch không mấy tích cực khi gần như toàn bộ cổ phiếu ngành này đều điều chỉnh giảm trong phiên, NKG giảm 3,5%, HSG giảm 3,3%, TVN giảm 3%, TLH giảm 2,7%, HPG giảm 0,8%, HMC giảm 1,2%... Duy nhất SMC ngược dòng tăng 0,2% lên mức 44.000 đồng/cổ phiếu

Tương tự, ngoại trừ PPY giữ được sắc xanh tăng giá, toàn bộ mã cổ phiếu nhóm dầu khí khác đều kết phiên 30/3 trong sắc đỏ, thậm chí biên độ chủ yếu đều trên 2%, GAS giảm 1,6%, OIL giảm 2,2%, BSR giảm 1,1%, PVD giảm 3,4%, PVC giảm 3,1%... Nhóm ngành than cũng có phiên giảm điểm, TDN và MDC có thời điểm chạm giá sàn.

Đáng chú ý, nhiều mã nhóm phân bón đã có phiên giảm sàn mạnh. Cụ thể, DPM đã giảm sàn 7% xuống 68.200 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 15 triệu đơn vị; DCM giảm sàn 6,9% xuống 44.500 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 15 triệu đơn vị. Đây là phiên mà DCM, DPM có thanh khoản rất lớn, giá giảm mạnh.

VAF giảm sàn 7% xuống 16.650 đồng/cp; SFG cũng giảm sàn xuống 20.850 đồng/cổ phiếu, BFC giảm sàn xuống 44.300 đồng/cổ phiếu, LAS giảm 5,6% xuống 20.200 đồng/cổ phiếu, PSW giảm 5,9% xuống 20.900 đồng/cổ phiếu, DDV giảm 3,9% xuống mức 29.400 đồng/cổ phiếu...

Thời gian qua, bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp diễn đã đẩy giá các loại hàng hóa trên trường quốc tế lên mức đỉnh cao mới khi những lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng. Nhóm cổ phiếu tăng theo chu kỳ giá hàng hoá được dòng tiền tìm tới khi được cho là nơi trú ẩn an toàn giữa "bão giá" được dự báo tiếp tục trong ngắn hạn và tình hình kinh tế không ổn định.

Tuy nhiên trong thông tin mới nhất, Trưởng phái đoàn Nga, trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky tuyên bố, Nga và Ukraine đã hoàn tất vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul và có kết quả mang tính xây dựng. Điều này mở ra kỳ vọng về sự hạ nhiệt của giá hàng hóa trên toàn cầu. Với tính chất nhạy cảm với giá hàng hóa, các nhóm cổ phiếu kể trên có khả năng đang phản ứng với những thông tin này.

Mặt khác, trong báo cáo cập nhật ngành phân bón mới đây, Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định việc nối lại giao thương giữa Nga và các nước Châu Âu sẽ mất nhiều thời gian sau khi xung đột giữa Nga-Ukraine hạ nhiệt. Do đó, giá ure có thể đạt đỉnh trong tháng 3 và tạo ra cơ hội đầu tư trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, SSI Research nhắc đến kịch bản cho rằng giá ure có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục. Đồng thời, báo cáo chỉ ra rủi ro cho đà tăng của giá phân bón đến từ việc Chính phủ có thể can thiệp vào công tác điều hành giá phân bón trong bối cảnh giá gạo thấp và tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.

Bạn đang đọc bài viết Ngoài hệ sinh thái FLC, thêm một nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm sàn trong phiên 30/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới