Cơ hội cho ngành hàng không Việt phục hồi bền vững trở lại
Thời gian qua, ngành hàng không đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch.
Giải pháp tháo gỡ đồng bộ
Trải qua 2 năm đại dịch với nhiều khó khăn, ngành hàng không hậu Covid-19 vẫn phải gánh chịu những di chứng nặng nề. Doanh thu sụt giảm, đứt gãy dòng tiền... có tình trạng các hãng liên tục lập các cuộc đua “xuống đáy”, mang tính hủy diệt về giá vé để tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Ngành hàng không đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt đẹp; đồng thời góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.
Thị trường hàng không Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ về lượng khách nội địa nhưng đây vẫn được xem là phục hồi không bền vững do sức mua và khả năng chi trả của người dân chưa cao, trong khi các hãng hàng không cạnh tranh gay gắt, dồn toàn bộ máy bay chưa bay được quốc tế vào khai thác thị trường nội địa, khiến giá vé bình quân thấp. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, các hãng đều cho biết giá vé bình quân giảm hơn 12% so với cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, thị trường vận tải quốc tế đến/đi từ Việt Nam vẫn phục hồi yếu do hành khách có xu hướng du lịch nội địa khi chưa hoàn toàn yên tâm với tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác; một số nước như Nhật Bản cũng tập trung khuyến khích du lịch nội địa bằng các chính sách mạnh để kích cầu, hỗ trợ du lịch nội địa; các thị trường lớn như Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid; Nga xung đột chính trị. Với diễn biến thị trường như trên, dự báo hoạt động kinh doanh vận tải hàng không vẫn cần nhiều thời gian để phục hồi thật sự.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, môi trường kinh doanh năm 2023 trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đối mặt với các cơn suy thoái và khủng hoảng chưa có dấu hiệu dừng. Rủi ro của chiến tranh Nga - Ukraina, suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động giá nhiên liệu và tỷ giá, tốc độ mở cửa du lịch - hàng không chậm… là những “gọng kìm” siết chặt doanh thu và lợi nhuận của các hãng.
Do đó, các hãng hàng không tại Việt Nam đều lựa chọn kịch bản phục hồi trung bình cho năm 2023, kể cả khi các thị trường quốc tế trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… phục hồi hoàn toàn vào dịp cuối năm sau. Và với kịch bản ấy, cân bằng tài chính là điều khó khả thi và vẫn phải chịu lỗ lũy kế kéo dài.
Ngay cả khi các thị trường quốc tế trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… dự báo khôi phục hoàn toàn vào cuối 2023, các hãng hàng không tại Việt Nam đều chỉ "dè dặt" lựa chọn kịch bản phục hồi trung bình cho năm tới. Với kịch bản ấy, cân bằng tài chính là điều khó khả thi và vẫn phải chịu lỗ lũy kế kéo dài.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng nhiều lần bàn đến các giải pháp ứng phó, hỗ trợ phù hợp với thị trường mỗi khi có ngành sản xuất, kinh doanh gặp nguy cơ lâm vào cảnh thua lỗ trầm trọng do những khó khăn của thị trường.
Cụ thể, thị trường xăng dầu khan hàng, doanh nghiệp lao đao, thua lỗ vì chi phí đầu vào cao hơn giá bán ra, Thủ tướng liên tiếp có chỉ đạo đến Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan trong tháng 10 phải thực hiện nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài để ổn định thị trường, cứu doanh nghiệp. Bộ Tài chính và các bộ liên quan đã kịp thời điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu giá bán, chi phí nhập khẩu… nhằm đảm bảo duy trì hoạt động cho các doanh nghiệp đầu mối.
Về phía đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, để phục hồi và phát triển hoạt động khai thác vận tải hàng không quốc tế, trong giai đoạn tới, Cục sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các Nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng Hàng không Việt Nam đến các quốc gia này vì đây là một trong những thị trường khách du lịch lớn; trước mắt là xem xét, tăng tần suất cho các hãng hàng không trên các đường bay giữa hai nước.
Tăng thêm hàng chục nghìn vé máy bay dịp Tết
Nhằm phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách trên các chuyến bay về quê thăm thân hoặc du lịch dịp Tết Quý Mão 2023, các hãng hàng không tiếp tục tăng thêm các chuyến bay.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng bay này chính thức tăng chuyến lần 3 với hơn 90.000 chỗ tương ứng 500 chuyến bay, cho mùa cao điểm Tết từ ngày 6/1 đến 5/2/2023 (tức từ 15 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 15 tháng Giêng năm Quý Mão).
"Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới, Chu Lai; Thanh Hóa - Đà Lạt", đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, hãng dự kiến sẽ tăng thêm 36.000 chỗ tương đương 200 chuyến bay trên đường TP.HCM - Thanh Hóa trong giai đoạn 15/1-5/2/2023 (tức từ 24 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 15 tháng Giêng năm Quý Mão) sau khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép.
Đây là lần tăng chuyến thứ 3 trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán 20223, trước đó, Vietnam Airlines từng có 2 đợt tăng tải vào tháng 8 và 12/2022 phục vụ dịp Tết, cung ứng hàng triệu ghế trên toàn mạng nội địa và quốc tế. Hãng đã ghi nhận lượng khách đặt vé tăng trưởng nhanh trong những ngày gần Tết.
Trong khi đó, đại diện Bamboo Airways cho hay, để phục vụ nhu cầu đi lại cuối năm từ 6/1-10/2/2023 (tức 15 tháng Chạp đến 20 tháng Giêng), hãng dự kiến tăng tải khoảng 15%, tương đương 1 triệu chỗ trên toàn mạng bay. Đồng thời, tiếp tục tăng số lượng theo điều kiện cho phép. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao giai đoạn cao điểm, hãng cũng tăng cường triển khai các chuyến bay đêm và sáng sớm. Tập trung các chặng từ TP.HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa và Quảng Bình…
Lan Anh