0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 28/11/2022 08:21 (GMT+7)

Tăng trưởng logistics hàng không nhờ các hiệp định thương mại

Thị trường logistics vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không ở Việt Nam khá lớn, nhưng thị phần của doanh nghiệp Việt Nam còn quá ít, khiến chi phí cao. Sản lượng hàng hoá vận chuyển tăng 2,5 lần trong 10 năm qua, dự kiến đạt 4,1 triệu tấn vào năm 2030.

Dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu từ năm 2021, ngành logistics Việt Nam cũng đã chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, bằng các giải pháp linh hoạt, hoạt động vận tải hàng hoá đã góp phần giúp các doanh nghiệp logistics bù đắp doanh thu, đặc biệt trong đó là các doanh nghiệp hàng không.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một trong những hiệp định mang lại nhiều giá trị cho Việt Nam. Sau hai năm đầu thực thi hiệp định, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã đạt 83,4 tỷ USD, cao hơn đến 24% so với trung bình năm của giai đoạn 2016-2019.

Tăng trưởng logistics hàng không nhờ các hiệp định thương mại - Ảnh 1
Sản lượng hàng hoá vận chuyển tăng 2,5 lần trong 10 năm qua, dự kiến đạt 4,1 triệu tấn vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Hoạt động vận tải hàng hoá đã góp phần giúp các doanh nghiệp logistics bù đắp doanh thu, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không.

Tiềm năng từ các thị trường xuất khẩu lớn đang tạo cơ hội cho lĩnh vực logistics hàng không mở rộng mạng lưới đường bay để đáp ứng nhu cầu vận tải nhiều mặt hàng có giá trị cao và đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn.

Hãng hàng không Lufthansa của Đức vừa quyết định chọn Hà Nội là điểm đến thứ hai tại Việt Nam, sau TP.HCM để mở đường bay thẳng vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu.

Theo đại diện hãng bay cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng như thiết bị điện tử, điện thoại, linh kiện, dệt may… của khu vực phía Bắc đang tăng lên. Cùng với đó, hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện là lý do để hãng quyết định mở rộng mạng lưới vận tải đến Hà Nội.

Bộ Công Thương cho rằng, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu vào EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác trong khu vực này. Do đó, việc mở rộng mạng lưới logistics hàng không kết nối trực tiếp giữa 2 quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Theo thống kê, sản lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không tại Việt Nam tăng 2,5 lần trong 10 năm qua, dự kiến đạt 4,1 triệu tấn vào năm 2030. Việc tiếp tục mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu và phát huy lợi thế từ các FTA sẽ là cơ hội lớn cho thị trường logistics hàng không tăng trưởng.

Cần hãng hàng không Việt Nam chuyên chở hàng hóa

Cùng sự quyết tâm của doanh nhân Việt kiều nêu trên đã nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ ngành. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4778/VPCP-CN lấy ý kiến các Bộ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo để có đủ căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đến nay đã có nhiều bộ, ngành đồng tình và cho rằng việc cấp phép thành lập một hãng hàng không Việt Nam chuyên vận chuyển hàng hóa là cần thiết.

Bộ Công Thương cho hay, với xu thế chung trên thế giới hiện nay là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có thị trường mục tiêu là các nước phát triển với những phân khúc hàng hóa cần được vận chuyển với thời gian ngắn, mang tính thời vụ cao, việc nước ta có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa do nhà đầu tư trong nước đầu tư sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa phương thức vận tải hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu nông sản, rau quả tươi.

Còn trong văn bản của Bộ Quốc phòng gửi Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho rằng, việc cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Logistics Việt Nam, phù hợp với mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng IPP Air Cargo ra đời sẽ mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Logistics Việt Nam, phù hợp các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện các hãng hàng không chỉ tập trung đưa hàng hóa tới sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất, nên hàng hóa của doanh nghiệp chỉ tập trung ở hai đầu này. Sự ra đời của IPP Air Cargo sẽ tạo đột phá về logistics bằng cách đưa hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, và các hãng hàng không nước ngoài đưa hàng vào, IPP Air Cargo sẽ đưa đi khắp 22 sân bay của Việt Nam. Tiếp đến, Viettel Post, Vietnam Post, Sasco là những đối tác chiến lược cùng với sự hỗ trợ của các công ty logistics để đưa hàng hóa của doanh nghiệp đi khắp các tỉnh, thành.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Tăng trưởng logistics hàng không nhờ các hiệp định thương mại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới