Chứng khoán tuần qua: Thị trường rung lắc mạnh, tự doanh bán ròng hơn 400 tỷ đồng
Tuần qua, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh mẽ lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tại thị trường Việt Nam, tính chung cả tuần từ 21 - 25/2, bộ phận tự doanh đã bán ròng 403 tỷ, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 307 tỷ đồng.
Trong tuần qua (21 - 25/2), căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã chi phối mạnh mẽ diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới. Đỉnh điểm là ngày 24/2 gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán trên thế giới đều "đỏ lửa".
Không nằm ngoài xu thế chung, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rung lắc mạnh. VN-Index chạm mức thấp nhất trong tuần tại 1.473 sau đó hồi phục tốt, vượt ngưỡng 1.500 điểm, tuy nhiên chỉ số đã không thể duy trì mốc 1.500 kết phiên thứ Sáu (25/2).
Chốt tuần tại 1.498 điểm, chỉ số chính sàn HOSE giảm hơn 5,9 điểm, giảm 0,4% so với tuần trước đó. Đây là mức giảm thấp hơn rất nhiều so với các thị trường khác trên thế giới.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 26.900 tỷ đồng, là mức cao nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây, tăng 26,3% so với tuần trước đó và 9,7% so với bình quân 5 tuần. Trong đó, dòng tiền có xu hướng tăng mạnh vào những nhịp VN-Index chỉnh sâu.
VPB tăng mạnh nhất ngành ngân hàng
Đặc biệt, trong tuần qua cổ phiếu ngân hàng tuần qua diễn biến phân hoá với 10 mã tăng, 1 mã đứng giá tham chiếu và 16 mã giảm giá.
VPB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất tuần qua với mức tăng tổng cộng 6,4%, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 38.200 đồng/cp. Thanh khoản của VPB tăng vọt trong 2 phiên cuối tuần với 85 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư.
Hiện thị giá VPB đã ở đỉnh cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021 và chỉ còn cách đỉnh lịch sử chưa đầy 6% (40.600 đồng/cp ngày 5/7/2021).
Cổ phiếu VPBank nổi sóng trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng đợt phát hành 15% cổ phần riêng lẻ sẽ được nhà băng này sớm thực hiện vào thời gian tới. Lãnh đạo VPBank cho biết việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược vẫn đang theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022.
Sau VPB, cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 là MBB (+4,4%). Trong đó phiên 22/2 tăng mạnh 5,2% với thanh khoản bùng nổ, hơn 37 triệu cổ phiếu được giao dịch với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng.
Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là TPB (+2,8%), NVB (+2%_, SGB (+1,7%), ACB (+1,5%), VIB (+1,2%), BVB (+1%),…
Ở chiều ngược lại, VAB giảm mạnh nhất tuần này (-3,2%), sau đó đến EIB (-2,9%), VCB (-2,4%), LPB (-2,3%), ABB (-2,3%), SHB (-2,2%),…
Bên cạnh đó, trong tuần qua, nhiều ngân hàng bị khối ngoại bán mạnh, cụ thể HDB bị bán ròng hơn 75 triệu đơn vị, CTG gần 4,5 triệu đơn vị, MBB hơn 1,4 triệu đơn vị,..
Ngược lại, các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng là STB (hơn 1,5 triệu đơn vị), TPB (hơn 1,47 triệu đơn vị),…
Nhóm chứng khoán hút tiền trong khi đà bán ròng ở nhóm địa ốc tăng trở lại
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của tự doanh áp đảo khi diễn ra ở 15/18 nhóm ngành.
Hoạt động rút ròng diễn ra mạnh mẽ nhất ở nhóm cổ phiếu bất động sản với quy mô gần 237 tỷ đồng, gấp gần 4,4 lần tuần trước. Có thể thấy, dòng vốn tự doanh vẫn chưa hướng sự chú ý vào nhóm địa ốc trong bối cảnh các cổ phiếu nhóm này diễn biến phân hóa và chưa rõ xu hướng.
Đứng thứ hai trong Top bán ròng là ngành bán lẻ với quy mô rút vốn gần 91 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu bán lẻ có tuần giao dịch tăng cả về chỉ số giá lẫn khối lượng giao dịch, nổi bật nhất là FRT tăng 22%, HFX tăng 14,3%, TH1 tăng 14%, CEN tăng 14,8% và PSH tăng 13,6%. Đây là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của nhóm này khi Việt Nam dần mở cửa trở lại.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là tài nguyên cơ bản (74 tỷ đồng), công nghệ thông tin (71 tỷ đồng), ngân hàng (62 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, ngành dịch vụ tài chính được khối tự doanh gom ròng mạnh nhất với gần 252 tỷ đồng, tâm điểm là chứng chỉ quỹ và cổ phiếu chứng khoán. Có thể thấy cổ phiếu của các công ty chứng khoán sau thời gian ngụp lặn đã cho tín hiệu hồi phục, đặc biệt trong phiên cuối tuần.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của nhà đầu tư tự doanh cũng được duy trì ở nhóm dầu khí (35,8 tỷ đồng) và xây dựng vật liệu (8,8 tỷ đồng).
Tự doanh xả cổ phiếu "họ Vingroup"
Mã VHM của Vinhomes tiếp tục dẫn đầu chiều rút ròng với giá trị giao dịch đạt 118 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu VHM có nhịp giảm 2% và đứng thứ 4 về mức ảnh hưởng giảm lên VN-Index.
Theo chân VHM, hai cổ phiếu họ Vingroup khác là VRE và VIC cũng bị khối tự doanh bán ròng lần lượt 88,2 tỷ và 29,1 tỷ đồng.
Cùng chiều, dòng tiền tự doanh cũng rút khỏi MWG (87,2 tỷ đồng), HPG (77,8 tỷ đồng), FPT (71 tỷ đồng), VPB (61,7 tỷ đồng), MBB (40 tỷ đồng) và VNM (27,4 tỷ đồng).nTại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND lọt Top bán ròng với giá trị 28,5 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền mua chuyển hướng gom ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với 112,1 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó mã này bị bán ròng nhẹ gần 10 tỷ đồng.
Tại giao dịch cổ phiếu, hoạt động giải ngân khá dè chừng khi không mã nào được gom ròng trên 40 tỷ đồng. Tự doanh đã mua ròng 37,7 tỷ đồng cổ phiếu CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh bất chấp biến động khá mạnh của mã này trong tuần qua. Đóng cửa phiên thứ Sáu, thị giá CII dừng tại 32.900 đồng/cp, tương đương tăng 5,4% sau 1 tuần.
Gần đây, CII công bố chỉ bán được hơn 3,5 triệu đơn vị trong tổng hơn 44,3 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký, tương đương 8% trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 đến 22/2 theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nguyên nhân không thực hiện hết giao dịch là do thị giá không đạt kỳ vọng. Với giá bình quân là 35.128 đồng/cp, ước tính CII đã thu về hơn 123 tỷ đồng.
Danh mục mua ròng của tự doanh tiếp tục chứng kiến sự góp mặt của TCB với 27,9 tỷ đồng, theo sau là PLX (26 tỷ đồng), HNG (18,7 tỷ đồng), PVD (11,8 tỷ đồng). Một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận giá trị mua ròng nhẹ là MSN, GVR, PTB, KBC.