0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 26/02/2022 07:18 (GMT+7)

Xung đột Nga-Ukraine: Sàn giao dịch thế giới chao đảo, chứng khoán Việt không bi quan?

Sau khi Nga tấn công Ukraine, thị trường chứng khoán châu Âu đã có những ảnh hưởng tiêu cực, các chỉ số đều sụt giảm mạnh, trái phiếu và đồng Rúp của Nga cũng suy yếu. Đối với chứng khoán Việt thì dường như cuộc tổng tiến công này sẽ không có ảnh hưởng?

Sàn giao dịch chứng khoán Châu Âu giảm mạnh

Theo dữ liệu trên trang web của sàn giao dịch chứng khoán Praha ngày 24/2, chỉ số PX đã giảm 4,77%.

Cũng trong ngày giao dịch chứng khoán trên thị trường Hungary có khởi đầu giảm mạnh, khi BUX thấp hơn 9,4% khi mở cửa. Giao dịch trên các sàn chứng khoán lớn ở châu Âu bắt đầu với sự sụt giảm chỉ số lớn.

tm-img-alt

Nhà kinh tế học Voitech Bohac của Wood & Company cho biết, doanh số đã ảnh hưởng đến tất cả các thị trường chứng khoán châu Âu sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công chiến lược Ukraine.

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, phản ứng đầu tiên của thị trường là sẽ bán tháo những cổ phiếu rủi ro và đặc biệt là cổ phiếu gắn liền với Nga. Hiện các nhà đầu tư đang bắt đầu rút khỏi các tài sản rủi ro đến nơi trú ẩn an toàn gồm các kim loại quý như vàng, bạc và kim cương. Dự đoán nhà đầu tư sẽ chuyển sang mua trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc vàng hay các mặt hàng năng lượng.

Thị trường chứng khoán Nga bốc hơi 200 tỷ USD

Đồng Rúp Nga đã giảm xuống mức kỷ lục, chi phí chống vỡ nợ cho các khoản nợ của Nga tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Chỉ số chứng khoán MOEX đã giảm 33% khi kết thúc phiên giao dịch chính ngày 24/2 - mức giảm lớn nhất từ trước đến nay của chỉ số này.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết sẽ lần đầu tiên can thiệp vào thị trường ngoại tệ để giảm độ bất ổn.

Còn theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trái phiếu mệnh giá bằng USD có tính thanh khoản cao nhất của Nga cũng đã giảm khoảng 1/3 giá trị trong ngày 24/2.

tm-img-alt
Thị trường chứng khoán Nga bốc hơi 200 tỷ USD.

Giá cổ phiếu của Sberbank PJSC, ngân hàng cho vay lớn nhất nước Nga, đã giảm 42%, trong khi cổ phiếu của tập đoàn khí đốt Gazprom cũng giảm 35%.

Ngân hàng trung ương Nga chưa đề cập đến việc tăng lãi suất, nhưng cho biết sẽ bơm hơn 1000 tỷ Rúp (11,8 tỷ USD) cho các ngân hàng để tăng tính thanh khoản. Các nhà hoạch định chính sách Nga cũng đã tăng lãi suất cơ bản lên 525 điểm cơ bản (5,25%) trong vòng 12 tháng qua để kiềm chế lạm phát.

Trái phiếu chính phủ Nga giảm mạnh và phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tăng vọt lên trên 750. Lợi suất trái phiếu đồng Rúp kỳ hạn 10 năm tăng 129 điểm cơ bản, giữ ở mức 12,16%. Do các biện pháp trừng phạt, nhiều nhà đầu tư liên quan đến Mỹ sẽ không được mua trái phiếu chính phủ Nga bán sau ngày 1/3/2022 trên thị trường thứ cấp.

Chứng khoán Việt lạc quan

Trong khi chứng khoán toàn cầu hoảng loạn thì chứng khoán Việt cũng chịu không ít tác động tiêu cực đến từ tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam. Trong phiên giao dịch ngày 24/2, chứng khoán Việt Nam rơi hơn 30 điểm ngay khi mở cửa.

Tuy nhiên, sau thời gian điều chỉnh, VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm 17,45 điểm (1,15%) xuống 1.494,85 điểm. Toàn sàn HoSE có 396 mã giảm, trong khi cổ phiếu tăng là 75 mã.

Đến phiên ngày hôm qua 25/2, chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Kết phiên, VN-Index tăng 4,04 điểm (0,27%) lên 1.498,89 điểm. HNX-Index tăng 5,28 điểm (1,21%) lên 440,16 điểm. UPCOM-Index tăng 0,34 điểm (0,3%) lên 112,66 điểm.

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP AzFin Việt Nam, trong lịch sử, việc xung đột quân sự xảy ra sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu với mức suy giảm tầm 5-7 %.

Về xung đột giữa Nga và Ukraine, trong ngắn hạn, thường phản ứng đầu tiên của các nhà đầu tư là phòng thủ. Họ sẽ chuyển dịch một phần tài sản của mình từ kênh đầu tư rủi ro sang kênh tài sản có tính an toàn cao như vàng, bất động sản...

Còn những kênh tài sản có độ rủi ro cao, biến động mạnh là chứng khoán, tiền số...sẽ bị rút một phần. "Trong ngắn hạn, AzFin Việt Nam đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam có thể suy giảm từ 3-10%. Tuy nhiên sau đó mọi thứ sẽ tùy thuộc vào cuộc chiến diễn biến thế nào, có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp hay không. Nếu không có gì đột biến thì tình hình thị trường sẽ lại bình ổn như trước".

Hơn nữa, với Nga - Ukraine, tầm ảnh hưởng của cả hai nước đến kinh tế Việt Nam là không quá lớn, nên có thể tạo ra một chút đứt gãy về cung ứng đối với các doanh nghiệp trong nước chứ không nhiều. Về dài hơi, các doanh nghiệp sẽ phục hồi dần sau COVID-19.

"Thực tế, khi có xung đột chính trị, thị trường chứng khoán có phản hồi là giảm nhẹ. Phiên vừa rồi chỉ 1,15% cũng phản ánh phù hợp là chúng ta không chịu tác động nhiều và từ các ngày hôm sau thì khả năng cao thị trường sẽ trở lại mức bình thường”, ông Phục nói.

Tương tự, nhiều chuyên gia chứng khoán lạc quan cho rằng, những nhịp điều chỉnh sâu trong ngắn hạn nếu có cũng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu. Bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam không vì căng thẳng này mà bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam cũng không vì thế mà sụt giảm về doanh thu lợi nhuận.

Xung đột giữa Nga - Ukraine chính thức diễn ra vào sáng 24/2. Liên quan đến sự việc trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các ngân hàng Nga và nói rằng Mỹ sẽ giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược nếu điều kiện cho phép.

Ông Biden cam kết gây “tổn thất nặng nề đến nền kinh tế Nga” trong bài diễn văn của mình và cho biết sẽ trừng phạt Sberbank, 4 ngân hàng khác đại diện cho khối tài sản trị giá khoảng 1000 tỷ USD cùng nhiều nhà tài phiệt Nga và gia đình.

Bạn đang đọc bài viết Xung đột Nga-Ukraine: Sàn giao dịch thế giới chao đảo, chứng khoán Việt không bi quan?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới