Thị trường ngày 26/2: USD, vàng và nhiên liệu 'tuột dốc', chứng khoán đảo chiều tăng mạnh
Trong phiên cuối tuần, thị trường tài chính thế giới rung lắc mạnh khi USD, vàng và nhiên liệu quay đầu giảm sâu, rời khỏi mức cao kỷ lục của phiên trước đó. Ngược lại, thị trường chứng khoán và Bitcoin bật tăng mạnh.
Giá dầu thô giảm mạnh
Theo oilprice, đầu giờ sáng 26/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 giảm 1,15 USD, tương đương 1,2%, xuống 97,93 USD/thùng; kỳ hạn tháng 5 - giao dịch nhiều hơn - giảm 1,30 USD, hay 1,4%, xuống 94,12 USD.
Dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng giảm 1,22 USD, tương đương 1,3%, xuống 91,59 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, dầu Brent tăng khoảng 4,7%, trong khi WTI trên đà tăng khoảng 0,6%.
Dầu mỏ và khí đốt của Nga không nằm trong mục tiêu trừng phạt của phương Tây, bởi nước này là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới và là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn cho châu Âu.
Khí gas giảm
Giá khí đốt ở Anh và Hà Lan giảm mạnh vào thứ Sáu (25/2) do hoạt động bán chốt lời sau khi giá tăng mạnh vào ngày hôm trước.
Trên thị trường khí đốt Hà Lan, hợp đồng giao tháng 3 giảm 45,90 euro, tương đương 33,8%, xuống 90,10 euro mỗi megawatt giờ (MWh), phiên liền trước giá đã tăng lên mức cao nhất trong ngày, khoảng 140 euro/MWh.
Tại thị trường gas Anh, giá hợp đồng giao tháng 3 giảm 96,42 pence, tương đương gần 30%, xuống 225,55 pence/therm, trong khi giá hợp đồng giao vào mùa hè năm 2022 giảm 31,82 pence xuống 225,00 p/therm.
Các nhà giao dịch cho biết thị trường đã có sự điều chỉnh ngay lúc mở cửa giao dịch, và càng giảm mạnh hơn sau khi xác minh cho thấy một phần của đường ống Yamal-Châu Âu kéo dài từ Ba Lan đến Đức có thể tiếp tục chuyển khí về phương Tây như bình thường.
Giá khí đốt ở Châu Á tăng hơn 50% trong tuần này do bị ảnh hưởng từ những biến động trên thị trường đông Âu.
Than giảm
Giá than tại Trung Quốc giảm mạnh do Chính phủ nước này đặt ra giới hạn giá.
Than luyện cốc trên sàn Đại Liên có thời điểm giảm 8,8% xuống 2.400 nhân dân tệ (380,19 USD)/tấn và kết thúc phiên ở mức 2.512 nhân dân tệ/tấn; tính chung cả tuần giảm 1,8%.
Giá than nhiệt trên sàn Trịnh Châu giảm 10% xuống 738 nhân dân tệ/tấn.
Giá than cốc trên sàn Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 5, giảm 6,2% xuống 3.183 nhân dân tệ/tấn, tính chung cả tuần giảm 4%.
Vàng mất mốc quan trọng 1.900 USD, palladium giảm
Giá vàng đảo chiều giảm 1% trong phiên vừa qua, palladium cũng lao dốc, trong bối cảnh thị trường liên tục trồi sụt.
Ghi nhận đầu giờ sáng ngày 26/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.899 USD/ounce, tuột khỏi mốc 1.900 USD/ounce.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc giảm giá là quá sớm, có nguy cơ căng thẳng sẽ leo thang hơn nữa và giá giảm có thể chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời”.
Palladium phiên ngày 25/2 cũng giảm 1,3% xuống 2.372,19 USD, sau khi đạt 2.711,18 USD trong phiên liền trước - mức cao nhất kể từ tháng Bảy.
USD giảm giá khi nhu cầu tài sản rủi ro lên ngôi
USD giảm trong phiên vừa qua (25/2) sau khi tăng mạnh ở phiên liền trước. Chỉ số Dollar index - so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - đóng cửa phiên này giảm 0,459% xuống 96,54, với đồng euro tăng 0,59% lên 1,1257 USD. Mặc dù giảm trong phiên này, song Dollar index vẫn tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Phiên trước đó (thứ Năm, 24/2), đồng bạc xanh ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 10/11/21 để đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/6/2020. Trong phiên đó, euro đã giảm xuống chỉ 1,105 USD, mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ ngày 1/6/2020.
Tuy nhiên, USD sau đó giảm trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng không áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.
Dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng nước này trong tháng 1 đã tăng hơn dự kiến bất chấp áp lực giá cả gia tăng, với tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt mức gần đây nhất bốn thập kỷ. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt với những "cơn gió ngược" là biến thể Omicron và giá dầu cao.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất của ngân hàng trung ương trước Quốc hội, Fed cảnh báo lạm phát có thể kéo dài hơn dự đoán nếu tình trạng thiếu lao động và lương tăng nhanh còn tiếp diễn.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết tình hình ở Ukraine có thể khiến ECB chậm lại quá trình rút lui khỏi các biện pháp kích thích. Các nước EU đã đồng ý đóng băng tài sản châu Âu của ông Putin và ngoại trưởng của ông, Sergei Lavrov.
Các nhà đầu tư hiện cho rằng chỉ có 4% cơ hội ECB sẽ tăng lãi suất tham chiếu lên 10 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sẽ diễn ra trong ngày 10 tháng 3.
Rúp Nga phiên cuối tuần mạnh lên, tăng 1,67% so với đồng bạc xanh lên 83,04 RUB, sau khi chạm mức thấp kỷ lục lịch sử 89,986 trong phiên liền trước.
Đồng yên Nhật kết thúc tuần giảm 0,09% so với đồng bạc xanh, xuống 115,65 JPY/USD, trong khi bảng Anh tăng 0,19% trong phiên này, lên 1,34 USD.
Nhôm, sắt, thép giảm từ mức đỉnh cao
Trong phiên 25/2, giá nhôm giảm khỏi mức cao kỷ lục do nhà đầu tư bớt lo ngại về nguồn cung ở phương Tây sau khi lĩnh vực năng lượng của Nga được loại khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 0,9% xuống 3,364 USD/tấn, giảm khỏi mức cao kỷ lục 3,480 USD chạm tới hôm thứ Năm (24/2). Tính chung cả tuần, giá vẫn tăng khoảng 3%.
Nickel phiên này cũng giảm 1,9% xuống 24.240 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2011 trong phiên trước đó.
Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới và chiếm khoảng 7% nguồn cung cấp mỏ nickel toàn cầu.
Giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc sụt giảm trong phiên vừa qua (25/2). Quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên giảm 3,1% xuống 681 nhân dân tệ/tấn, kết thúc tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm, với thép cây giảm 1,9% xuống 4.617 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 1,1% xuống 4.796 nhân dân tệ/tấn, trong khi thép không gỉ giao tháng 4 giảm 2,7% xuống 17.850 nhân dân tệ/tấn.
Ngũ cốc đồng loạt giảm giá
Trong phiên 25/2, giá lúa mì Mỹ quay đầu giảm sau khi đạt mức cao nhất hơn một thập kỷ trong phiên trước đó, khi các nhà giao dịch đánh giá lại khả năng gián đoạn nguồn cung sau sự việc Nga-Ukraina.
Giá ngô cũng giảm từ mức cao nhất 8 tháng ở phiên liền trước, trong khi đậu tương giảm khỏi mức cao nhất 9,5 năm khi các nhà giao dịch thanh lý các hợp đồng trước cuối tuần.
Giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 5 trên sàn Chicago giảm kịch trần, 75 US cent, xuống 8,59-3/4 USD/bushel, sau khi trước đó chạm mức cao nhất 13-1/2 năm. Tính chung cả tuần, giá vẫn tăng 6,9%. Lúa mì đỏ cứng vụ đông phiên này cũng giảm kịch trần.
Giá ngô giao tháng 5 giảm 34-1/2 cent xuống 6,55-3/4 USD/bushel nhưng tính chung cả tuần cũng tăng 0,5%. Giá đậu tương giao tháng 5 giảm 69-1/2 cent xuống 15,84-1/2 USD/bushel và giảm 1,2% trong tuần, là tuần giảm đầu tiên trong sáu tuần.
Nga và Ukraine góp 29% xuất khẩu lúa mì, 19% xuất khẩu ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương của toàn thế giới.
Ngược dòng thị trường, chứng khoán bật tăng mạnh
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI World kết thúc phiên 25/2 tăng 2,43%; đưa mức giảm tính chung trong cả tuần chỉ còn 0,7%.
Đáng chú ý, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này tăng 834,92 điểm (2,51%), sau khi đã tăng 0,28% ở phiên thứ Năm (24/2), trong khi S&P 500 tăng 95,95 điểm (2,24%) sau khi tăng 1,5% vào ngày hôm trước và Nasdaq Composite tăng 221,04 điểm (1,64%) sau khi tăng 3,3% vào thứ Năm.
Với những kết quả đó, Dow Jones kết thúc tuần ở mức 34.058,75 điểm, S&P 500 4.384,65 điểm và Nasdaq Composite 13.694,62 điểm
Tính chung cả tuần, Dow giảm 0,1%, S&P 500 tăng 0,8% và Nasdaq tăng 1,1%.
Thị trường chứng khoán Mỹ bước sang ngày hồi phục thứ 2 liên tiếp sau đợt bán tháo hồi đầu tuần, trong bối cảnh xu hướng giá ở các thị trường tài chính - hàng hóa khác cũng đảo chiều sau những giờ biến động cực mạnh.
Chỉ số chứng khoán chính của Nga lúc đóng cửa phiên 25/2 cũng tăng 20% sau khi giảm kỷ lục 33% ở phiên 24/2.
Một số chiến lược gia cho rằng việc bán cổ phiếu có thể đã quá mức. Chỉ số S&P 500 vào đầu tuần đã giảm sâu xuống còn thấp hơn 10% so với mức cao nhất gần đây - ngày 3/1.
Dự báo thị trường chứng khoán trong những ngày tới sẽ tiếp tục biến động mạnh, song các yếu tố cơ bản bền vững xác định xu hướng giá vẫn là "sức khỏe" của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ sớm hướng sự chú ý trở lại tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và triển vọng lãi suất.
Bitcoin hồi phục
Đồng Bitcoin phiên cuối tuần hồi phục mạnh, tăng khoảng 1,5% lên khoảng 39.000 USD. Ethereum phiên này cũng tăng 2,58% lên 2.703,53 USD.
Với sự cố giảm sâu xuống gần 34.000 USD hôm 24/2, Bitcoin tính chung cả tuần này vẫn mất khoảng 2.000 USD/BTC.