Chủ tịch FPT Trương Gia Bình xây trường, nuôi 1.000 trẻ mất cha, mẹ do COVID-19
Sau thống kê hàng nghìn trẻ em mồ côi do dịch bệnh, có rất nhiều MTQ đã ngỏ ý quyết định giúp đỡ, Trong đó, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình quyết định đầy bất ngờ: Xây trường học, nuôi dưỡng, chu cấp 1.000 em nhỏ có cha mẹ mất vì COVID-19.
Theo doanh nhân Trương Gia Bình, dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều tang thương và xáo trộn cho đất nước. Hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc. Đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ.
Với vai trò tập đoàn lớn hàng đầu, FPT muốn nhận các em, giúp đỡ các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. FPT là công ty mạnh công nghệ, lại có đội ngũ đông đảo 4 vạn người. Đây là việc nên làm và có thể làm.
Theo ông Bình, thực ra ở đây cũng có một chút lý do cá nhân. Ông Bình cho biết, mình sinh ra trong thời kỳ chiến tranh. Khi máy bay ném bom miền Bắc, ông Bình mới 8 tuổi, rời gia đình về nông thôn.
Với vai trò tập đoàn lớn hàng đầu, FPT muốn nhận các em, giúp đỡ các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. "Với các em nhỏ mất cha, mẹ do Covid-19, tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh chinh phục những đỉnh cao," ông Trương Gia Bình cho biết.
FPT cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Trong 24h qua kể từ khi lên ý tưởng, FPT đã cấp tập bàn thảo từ cách thức triển khai, hoạt động, chương trình giảng dạy. FPT cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng.
Trong quá trình đào tạo đó, FPT muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học.
Về địa điểm xây trường, trước mắt FPT City Đà Nẵng sẽ trở thành nơi đào tạo từ lớp 1 đến 12 và cả Đại học, đầy đủ cơ sở vật chất không chỉ học mà còn ăn ở.
Trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân rất thú vị. Đây là mô hình giúp các em hoà đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước.
Doanh nhân Trương Gia Bình khẳng định, cá nhân chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian cho trường, cho các em. Trước hết về chương trình giảng dạy để các em phát triển thành người tài cho xã hội, tài năng về mọi lĩnh vực sẽ do ông cùng đội ngũ thiết kế lên.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng muốn là người bạn, rồi là người thầy chia sẻ những kinh nghệm của mình cho các em. Cuối cùng là người chăm lo cho các em.
“Với cá nhân tôi đây cũng là sự trả lại cho đời. Tôi đã nhận được nhiều yêu thương và muốn trả lại bằng hình thức yêu thương. Tôi tin rằng yêu thương là sức mạnh tập thể”, ông Bình chia sẻ.
Ngày 14/9, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, bao gồm cả học sinh, giáo viên. Thống kê mới nhất, có 10.073 học sinh phổ thông, 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0. Đau xót nhất là 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch COVID-19.
Sở LĐTB và xã hội TP.HCM cho hay, theo nghị định 20 của Chính phủ, từ ngày 1-7-2021 trẻ em mồ côi cả cha mẹ được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng với mức 900.000 đồng/tháng nếu dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên.
Các em cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường cho đến dưới 16 tuổi. Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho các em trước mắt và lâu dài, nghiên cứu tiêm vắc xin để bảo vệ các em. Trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc các trẻ không có người thân.