Chậm bàn giao nhà do dịch bệnh, chủ đầu tư và khách hàng cần tìm tiếng nói chung
Bất động sản (BĐS) là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 gây nên. Tình hình tài chính khó khăn cộng thêm việc giãn cách xã hội đã khiến một loạt những dự án BĐS phải lùi tiến độ.
“Ngồi trên đống lửa”…
Bà Nguyễn Thị Thẩm trú tại quận Bắc Từ Liêm là một trong nhiều khách hàng đã ký hợp đồng mua dự án Athena Complex Pháp Vân có địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đây là dự án nhà ở có mức giá tầm trung ở khu vực phía nam của Hà Nội. Hơn nữa, khi quyết định mua, bà Thẩm nhận thấy vị trí địa lý thuận lợi, giá chung cư phù hợp với khả năng tài chính, cộng vào đó là không gian sống trong lành với hệ thống cây xanh bao phủ…Tuy nhiên, điều khiến bà vô cùng lo lắng là đến thời điểm hiện tại, đã 5 tháng so với thời điểm bàn giao cam kết trong hợp đồng nhưng bà vẫn chưa nhận được căn hộ của mình.
“So với thời điểm ký hợp đồng cho đến thời gian này là hơn 1 năm, khi dự án chậm lại thì khách hàng chúng tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn ra đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trên toàn thế giới và thiệt hại đầu tiên là nhà đầu tư chịu, sau đó đến khách hàng. Ở thời điểm này nếu nhà đầu tư và khách hàng nghĩ ra những biện pháp tiêu cực gây áp lực cho nhau thì sẽ mang lại hiệu quả không tốt, đạt kết quả không mong muốn” – bà Thẩm chia sẻ.
Sau nhiều ngày thắc mắc, bà Thẩm cũng như những khách hàng khác đã nhận được thư thông báo của chủ đầu tư giải thích về nguyên nhân chậm bàn giao cũng như tiến độ bàn giao trong thời gian tới. Ngoài ra, Chủ đầu tư dự án này cũng đưa các khách hàng đến trực tiếp công trường thi công để “mục sở thị” tiến độ dự án.
Hình ảnh thi công tại công trường dự án Athena Complex Pháp Vân. |
Theo tìm hiểu, dự án Athena Complex Pháp Vân được triển khai thi công từ năm 2018 gồm 2 tòa nhà cao 27 tầng với 400 căn hộ nằm trong khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Khuôn viên của dự án có tổng diện tích 6.088m2 và mật độ xây dựng khá thấp, chỉ khoảng 36,7%.
Trong giai đoạn triển khai thi công, từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2020, thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid 19, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu việc giãn cách xã hội, dự án phải tạm dừng thi công trong một thời gian dài. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ của dự án bị chậm và không thể bàn giao nhà đúng hạn cho khách hàng.
Đại diện Công ty TNHH Phát triển Đô thị & Xây dựng 379 – Chủ đầu tư dự án cho biết: “Chúng tôi rất thấu hiểu sự nôn nóng của khách hàng nên trong giai đoạn này, phía Chủ đầu tư sẽ nỗ lực hết mình để thi công dự án thật nhanh bằng các biện pháp rõ ràng như cập nhật tiến độ xây dựng thường xuyên cho khách hàng, kêu gọi hỗ trợ từ các ngân hàng hay kinh doanh gối các dự án với nhau,… Vì vậy, phía Chủ đầu tư dự án cũng mong khách hàng hết sức thông cảm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ chúng tôi hoàn thành dự án Athena Complex Pháp Vân sớm nhất có thể”.
Đi tìm tiếng nói chung giữa khách hàng và Chủ đầu tư
Rõ ràng việc chậm bàn giao nhà cho cư dân là lỗi ở chủ đầu tư, điều đó không thể chối cãi nhưng nếu xét trên góc độ toàn diện thì điều này đến cả từ nguyên nhân khách quan do dịch bệnh, thiếu vốn, thiếu nguồn lực, nhân lực sản xuất.
Nói về vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế Quang Minh cho rằng: “Nguyên nhân chậm bàn giao nhà trong thời điểm này đến cả từ yếu tố khách quan bởi dịch bệnh khiến phải giãn cách xã hội, thiếu nguồn lao động, tài chính bất ổn ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công tại các dự án”.
Điều này cũng được quy định Tại Điều 117 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Hợp đồng mua bán nhà ở được xem là một giao dịch dân sự. Do đó Hợp đồng mua bán nhà ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật nhà ở năm 2015 cũng sẽ thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2015.
Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề liên quan đến trường hợp “Sự kiện bất khả kháng”, theo đó: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Trong trường hợp này, dịch bệnh được coi là một sự kiện như vậy bởi nó xảy ra là điều không ai mong muốn, và không nằm trong sự kiểm soát của con người, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, xã hội trong đó có việc thi công, xây dựng công trình.
Dịch bệnh không chỉ gây thiệt hại cho những người mua nhà mà chính các chủ đầu tư cũng là người phải chịu thiệt hại về cả uy tín lẫn tài chính. |
Cũng theo Chuyên gia kinh tế Quang Minh, việc chậm bàn giao nhà không phải là câu chuyện cũ nhưng với nhiều doanh nghiệp bất động sản trong năm 2020 và 2021 nó là câu chuyện mới với những khó khăn chưa từng gặp trong lịch sử khi hầu hết họ nằm trong tình huống bị động với một loại khó khăn khách quan… Và khách hàng hay người mua nhà là người trực tiếp bị ảnh hưởng quyền lợi từ đó bởi với các dự án chung cư thì đa phần là người dân phải đi vay vốn mua nhà…
Nhưng thay vì việc gây áp lực bằng các biện pháp tiêu cực người dân cũng cần tìm hiểu, nhìn nhận vấn đề trên một cách toàn diện. Từ đó hai bên cần trao đổi để cùng tìm tiếng nói chung nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất. Phía chủ đầu tư cũng cần có những cách thức giúp người dân an tâm và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.