0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 05/04/2022 16:29 (GMT+7)

Cảnh báo dấu hiệu buôn lậu, gian lận xuất xứ mía đường

Hiệp hội mía đường Việt Nam vừa phát đi cảnh báo dấu hiệu buôn lậu, gian lận xuất xứ, quang vòng hóa đơn mặt hàng đường cát tại thị trường Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 389 dẫn nguồn thông tin từ Hiệp hội mía đường Việt Nam, mặc dù số lượng đường nhập khẩu từ Campuchia không quá lớn so với các thị trường khác, nhưng nếu yêu cầu số lượng lớn đường Campuchia thì đều có thể được cung cấp. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu đường của Campuchia lớn hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam trong khi việc nhập khẩu đường từ Thái Lan chủ yếu cho xuất khẩu sang Việt Nam. Theo đó, có dấu hiệu buôn lậu đường qua Việt Nam vì khối lượng thực tế trên thị trường lớn hơn số liệu nhập khẩu đường.

Ngoài ra, Hiệp hội mía đường Việt Nam chỉ ra dấu hiệu về trị giá đường nhập khẩu. Theo đó, qua so sánh giá nhập khẩu giữa đường Campuchia và đường Thái Lan cho thấy giá đường nhập khẩu Campuchia thấp hơn hẳn so với đường Thái Lan. Giá bình quân trong 12 tháng là 87,17% so với giá của Thái Lan. Theo thông tin thị trường, giá mua đường Campuchia thực tế cao hơn giá đường Thái Lan nhưng nhà xuất khẩu chấp nhận thanh toán linh hoạt bằng cách nhận phần tiền mặt và xuất hóa đơn chi phí giá thấp.

Cảnh báo dấu hiệu buôn lậu, gian lận xuất xứ mía đường
Cảnh báo buôn lậu, gian lận thương mại mía đường. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, dấu hiệu bất thường từ một số đối tượng nhập khẩu: Hiệp hội mía đường cung cấp danh sách công ty có dấu hiệu bất thường. Đó không phải là các công ty chuyên doanh trong lĩnh vực đường mà chỉ kinh doanh liên quan thương mại biên giới và có liên quan đến các đầu nậu có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh đường gian lận.

Dấu hiệu bất thường trong việc nhập khẩu đường từ Lào: Theo số liệu của Hiệp hội mía đường Việt Nam sản xuất bình quân của Lào: 165.667 tấn/năm; Tiêu thụ bình quân: 95.000 tấn đường/năm. Lượng đường xuất khẩu từ Lào vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2021 là 49.951 tấn. Nhập khẩu bình quân 220.368 tấn/ năm (từ Thái Lan là 174.012 tấn). Xuất khẩu từ đường nhập khẩu bình quân 287.326 tấn/năm. Theo đó, số lượng nhập khẩu lớn hơn số lượng sản xuất và tiêu dùng trong nước. Số lượng đường Thái Lan xuất khẩu vào Lào trong 05 tháng đầu năm 2021 đã tăng 106% so với cùng kỳ. Sau khi áp dụng thuế chống bán phá cho đường mía xuất xứ Thái Lan, số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đã tăng mạnh, khoảng 60 lần so với cùng kỳ.

Ngoài việc tăng số lượng đường xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam, còn có dấu hiệu về việc khai thấp giá nhập khẩu và từ các đối tượng nhập khẩu. Các công ty nhập khẩu, ngoại trừ công ty Mía đường TTC thì hầu hết không phải công ty chuyên doanh trong lĩnh vực đường. Bên cạnh đó, còn có dấu hiệu về việc buôn lậu đường từ Lào vì mặc dù số lượng nhập khẩu từ Lào không quá lớn so với các nguồn khác, nhưng nếu yêu cầu số lượng bao nhiêu cũng có. Đường nhập khẩu từ Lào khai báo hải quan là đường nâu, đường vàng nhưng các đầu nậu đưa ra thị trường cả các loại đường tinh luyện Thái Lan.

Hiệp hội mía đường Việt Nam nhận thấy có những dấu hiệu bất thường trong việc nhập khẩu mía đường từ Campuchia qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam và đề nghị Tổng cục Hải quan có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận. Hiệp hội đề xuất tất cả các sản phẩm đường lưu hành trên thị trường (sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu) đều phải có mã QR code cho từng sản phẩm. Mã QR code được cấp bởi hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc; tem chứa mã QR bảo mật được gắn lên từng sản phẩm.

Trước đó, ngày 8/11/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 5277/TCHQ-GSQL về việc tiến hành xác minh C/O mẫu D với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để kiểm tra xuất xứ thực tế đường nhập khẩu. Đối với các C/O do Campuchia cấp: Cơ quan có thẩm quyền của Campuchia xác nhận 19 C/O do Campuchia cấp đối với C/O mẫu D và mẫu AANZ là thật, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Campuchia và hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ (WO) theo đúng quy định tại Điều 27, Chương 3, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Cây mía được trồng tại nông trại và trải qua quá trình sản xuất ra đường trắng tại nhà máy của Công ty Phnom Penh Sugar, Campuchia.

Đối với các C/O do Indonesia cấp: Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan đã nhận được kết quả xác minh từ cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Indonesia cho các C/O cấp cho nhà xuất khẩu là Công ty PT.KEBUN TEBU MAS, theo đó, cơ quan có thẩm quyền của Indonesia xác nhận C/O hợp lệ và cung cấp các chứng từ chứng minh quá trình sản xuất mặt hàng đường tinh luyện trải qua 20 bước với máy móc, thiết bị và 143 nhân công tham gia vào quá trình sản xuất. Tổng cục Hải quan đã thông báo kết quả 42 C/O gửi Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng. Đối với các C/O do Myanamar cấp: Tổng cục Hải quan đã tiến hành xác minh với 06 C/O Myanmar để có đánh giá tổng thể nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ quốc gia này. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan chưa nhận được kết quả xác minh.

Tổng cục Hải quan cũng có văn bản về tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng mía đường đã chỉ đạo cơ quan hải quan tăng cường công tác kiểm tra kiểm tra đối với mặt hàng đường mía, như: kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu; thiết lập tiêu chí rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp; kiểm tra sau thông quan,…

An Dương

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo dấu hiệu buôn lậu, gian lận xuất xứ mía đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.