Cách nào bịt lỗ hổng trong đấu giá đất?
Những "lỗ hổng" trong quy định về đấu giá đất cần được "bịt kín" nhằm tránh gây thất thoát tài sản nhà nước, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Pháp luật còn thiếu chặt chẽ
Giải đáp các vấn đề liên quan đến đấu giá đất tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nêu lên một thực trạng là hệ thống luật pháp liên quan đến đấu giá đất đai tại Việt Nam hiện chưa thống nhất, đồng bộ.
Việc đấu giá tài sản được quy định bởi nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan. Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục trong đấu giá đất, nhưng liên quan đến tài sản nào lại do luật chuyên ngành đó quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể như trình tự chưa chặt chẽ. Các luật chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá và có chế tài đủ mạnh đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng quân xanh, quân đỏ, móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở.
Chính vì vậy, trong khi ông Long cho rằng, nguyên tắc đấu giá là dân sự và thu được càng nhiều tiền càng tốt thì những lỗ hổng trong pháp luật về đấu giá đã đến hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, đầu cơ, "bắt tay ngầm" trong đấu giá để trục lợi cá nhân, gây ra nhiều hệ lụy, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Mặt khác, theo ông Hà, kẽ hở trong pháp luật về đất đai cũng chính là nguyên nhân khiến trên thị trường hiện đang có hiện tượng thổi giá, đầu cơ. Đất đai chưa sử dụng nhưng các nhà đầu tư đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất với tâm lý để càng lâu đất càng lên giá.
"Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhiều người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất. Khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế", ông Hà phân tích.
Siết quy định đấu giá đất
Trước thực trạng này, ông Hà cho rằng, nhà nước cần phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề dìm giá, thổi giá, không để xảy ra tình trạng trục lợi từ đấu giá đất đai. Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thời gian tới, các bộ ngành sẽ rà soát vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ hơn; rà soát khung liên quan tiền đặt cọc, phí... liên quan đấu giá về đất đai.
Những sai phạm trong đấu giá đất sẽ được xử lý theo đúng quy định. Hiện nay, chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự.
Trong trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm làm dậy sóng dư luận thời gian qua, nếu phân tích một cách bình thường thì theo cơ chế thị trường, nhưng nếu phát hiện dấu hiệu bất bình thường mà chứng minh được thì cần xử lý, ông Long cho hay.
Ở khía cạnh khác, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh việc cần phải siết lại các quy định đầu giá đất để bảo đảm đấu giá một cách chặt chẽ hơn.
Theo đó, các địa phương phải xác định được năng lực của nhà đầu tư mới cho phép thực hiện dự án. Bởi thực tế, nhà đầu tư tốt mới có tiền nộp tiền sử dụng đất.
Các quy định về tiền đặt cọc cũng phải nâng lên. Theo bộ trưởng, quy định hiện tại đang thấp. Tiền đặt cọc cần phải chuyển vào tài khoản để hội đồng đấu giá quản lý, để khi bỏ đấu giá thì mất tiền đặt cọc.
Thứ ba, ông Phước cho rằng, doanh nghiệp tham gia đấu giá đất phải có cam kết về triển khai dự án, tránh trường hợp đấu giá xong để đấy hàng năm trời không sử dụng. Điều này làm lãng phí tài sản xã hội rất lớn.
Mục tiêu lâu dài là khi đấu giá xong, công trình được hoàn thành, như vậy sẽ thu hút được lao động, tăng được GDP và đóng nộp ngân sách đầy đủ, tạo được việc làm. Còn mục đích trước mắt là thu được tiền. Việc đấu giá đất cần phải đảm bảo được cả hai mục tiêu này.
Thứ tư là về giá khởi điểm. Giá khởi điểm của đấu giá đất xác định theo đúng Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Nghị định 44 và Thông tư 36 phải sửa, bởi vì giá đất xác định đã không còn chính xác, sát với giá thị trường và nhất quán nữa.
Một vấn đề nữa cần phải sửa là quy định "giao đất cho doanh nghiệp theo Nghị định 45 xong mới thu tiền". Thực tế là, sau khi nhà đầu tư phát triển dự án, bán và thu tiền của dân, có thể họ vẫn không nộp tiền cho ngân sách mà đưa tiền đó đi đầu tư vào các dự án khác.
Đây chính là lỗ hổng cần phải được xác định một cách chính xác để "bịt" lại nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước, ông Phước nhấn mạnh.