'Thấp thỏm' tăng trưởng kinh tế năm 2020
Dự báo về tăng trưởng của các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đưa ra đang thấp dần và hiện nay đã có những lo lắng “không khéo, kinh tế năm nay có thể rơi vào tăng trưởng âm".
Động lực tăng trưởng trong nước giảm tốc
Theo Báo cáo tình hình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2020 của Tổng cục Thống kê, đà phục hồi của sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã chững lại, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Hệ quả là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 9,5%; đây cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Do sự bùng phát trở lại của dịch tại thị trường nội địa, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 cũng có xu hướng giảm, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 2,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (Ảnh minh họa: KT). |
Hoạt động vận tải trong tháng 8 chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 với mức giảm 19,3% lượng hành khách vận chuyển và giảm 3,4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 29,3% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do nước ta tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 8 tháng qua, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế 8 tháng chính là tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN). Theo đại diện Tổng cục Thống kê, do dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng DN. Số DN thành lập mới trong tháng 8 vẫn tăng 1,5% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 20,7%.
Bên cạnh đó, với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, nhờ đó, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công cũng có khởi sắc đáng kể. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và 30,4% so với cùng kỳ năm trước, và là mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Tăng trưởng không âm là cố gắng rất lớn
Dịch bệnh Covid-19 quay lại đã đẩy nền kinh tế đứng trước khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều khi mà những khó khăn của đợt dịch trước vẫn chưa được hóa giải, tình trạng phổ biến là sản xuất cầm cự, hàng hóa tồn đọng, tiêu dùng thắt lại, đầu tư không dám mạo hiểm…
Hồi tháng 4, tháng 5, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%; nhưng sang đến tháng 6, kỳ vọng tăng trưởng chỉ còn hơn 4% và hiện Chính phủ xác định kịch bản tăng trưởng GDP khoảng 2 – 3%.
Thậm chí mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh khó khăn thì không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn. Dự báo về tăng trưởng của các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đưa ra cũng thấp dần và trước tình hình hiện nay đã có những lo lắng “không khéo, kinh tế năm nay có thể rơi vào tăng trưởng âm”.
Nếu không khéo, kinh tế năm nay có thể rơi vào tăng trưởng âm. (Ảnh minh họa: KT). |
Theo các chuyên gia kinh tế, ưu tiên hàng đầu hiện nay là chống dịch nhưng không để đứt gãy nền kinh tế, giữ vững cân đối vĩ mô. Nỗ lực tăng trưởng ở mức cao nhất có thể là rất quan trọng vì nó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến công ăn việc làm, thu nhập người lao động và đời sống người dân.
“Lúc này cần đưa ra những giải pháp hợp lý nhất, cân bằng, đủ quyết liệt, gọn gàng trong cách chống dịch nhưng nền kinh tế không bị tê liệt”, TS. Võ Trí Thành, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu ý kiến.
Để nền kinh tế không đứt gãy, không tê liệt, một gói hỗ trợ và kích thích kinh tế mới cũng đã được bàn đến. Các chuyên gia nhấn mạnh, gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế thứ 2 cần được triển khai nhanh và quy mô đủ lớn, có điểm nhấn, đúng đối tượng mới có thể hỗ trợ được nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện nay.
Theo TS. Võ Trí Thành, nếu có chính sách bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số DN hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi Covid-19... thì kinh tế về cơ bản sẽ duy trì được tăng trưởng thấp, nhưng cũng sẽ không đến mức suy thoái; dự kiến tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở khoảng 2%.
Cũng dự báo “tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn thấp, loanh quanh ở ngưỡng 2%”, song TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các kết quả trước mắt như tăng trưởng GDP không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế. Vì thế, chính sách hỗ trợ cần phải bài bản, đồng bộ, dài hạn với hai định hướng: một là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đi kèm với đó là miễn, giảm thuế; hai là các chính sách hướng tới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Đây là hai nhiệm vụ không thể tách rời.
“Chính sách hỗ trợ phải tính đến việc tận dụng cơ hội mới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Trong khi nguồn lực có hạn không thể hỗ trợ tất cả, thì gói hỗ trợ lần này nên ưu tiên tới người lao động và nhóm người bị tổn thương, hỗ trợ những DN ở bên thắng cuộc khi dịch bệnh qua đi”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường