Bộ Tài chính ứng tiền trả nợ vay, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn ‘mù mờ’ ngày vận hành
Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký. Tuy nhiên, ngày vận hành thương mại của dự án này vẫn chưa được định rõ.
Đội vốn hơn 9.200 tỷ
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có báo cáo chi tiết về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016 và số 1511/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2017 là: 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng hơn 9.200 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Lũy kế giá trị giải ngân tính đến hết kỳ thanh toán 62 (tháng 10/2021) là 731,25 trên tổng số 868,04 triệu USD, đạt 84,2%.
Hiện, dự án đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể toàn dự án ngày 24/3/2021 theo tiêu chuẩn và thiết kế, bảo đảm đầy đủ công năng cũng như các chỉ tiêu yêu cầu. Dự án đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác. Toàn bộ kết quả này đã được báo cáo gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước.
Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBDN TP. Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.
Vì sao chậm hoàn thành bàn giao?
Theo báo cáo của Chính phủ, do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.
Do dự án chậm hoàn thành bàn giao cho UBND TP Hà Nội nên theo báo cáo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt.
Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành Dự án; Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay Ban Quản lý dự án đường sắt đang rà soát các điều khoản trong Hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan để giải quyết các vướng mắc phát sinh theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký.
Hiện dự án vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu của là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến Kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
"Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký", báo cáo cũng cho biết.
Báo cáo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao cho Hà Nội làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để Thành phố thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của Dự án.
Đồng thời, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục "Trả nợ gốc các Hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông" trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông Vận tải để trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án.
"Với việc chậm tiến độ hoàn thành dự án để bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng, các mục tiêu liên quan đến giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân chưa được giải quyết và gây ra những dư luận không tốt", báo cáo nhấn mạnh.