0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 10/09/2021 07:10 (GMT+7)

Bộ Công Thương cảnh báo việc mua bánh Trung thu trôi nổi trên mạng

Bánh trung thu được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, các website thương mại điện tử. Nhiều loại bánh trôi nổi không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ...

Bánh Trung thu giá rẻ “giật mình”

Mùa Trung thu đã đến. Như mọi năm, dọc 2 bên đường xuất hiện san sát các quầy di động bán bánh Trung thu của các nhãn hàng. Cùng thời điểm này những năm trước, số lượng bánh nướng, bánh dẻo đã vơi khá nhiều, thậm chí nhiều mẫu mã “cháy hàng”, hết hàng.

Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo đó, các cửa hàng, điểm bán bánh Trung thu di động không được phép hoạt động tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Dịch vụ bán bánh nướng, bánh dẻo trực tuyến (online), qua các trang mua sắm điện tử (shopee, Tiki, Lazada...), qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) trở nên “tưng bừng” hơn bao giờ hết.

Bộ Công Thương cảnh báo việc mua bánh Trung thu trôi nổi trên mạng - Ảnh 1
Bánh Trung thu giá rẻ được rao bán tràn lan trên mạng.
Bộ Công Thương cảnh báo việc mua bánh Trung thu trôi nổi trên mạng - Ảnh 2
Bánh được bán theo cân.

Ngoài những thương hiệu nổi tiếng, nhiều bánh tự làm (hand-made) cũng được quảng cáo và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, trang app thương mại điện tử. Đáng chú ý, nhiều loại bánh không có thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng, cũng như thành phần làm bánh... Thậm chí bánh nướng, bánh dẻo với nhiều màu sắc, kiểu mẫu bắt mắt nhưng được rao bán theo cân, với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg hoặc hơn 10.000 đồng/bánh.

Bộ Công Thương cảnh báo việc mua bánh Trung thu trôi nổi trên mạng - Ảnh 3
Cơ quan chức năng bắt giữ gần 10 tấn hàng bánh Trung thu trôi nổi.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội CSGT số 15 và Đội QLTT số 9 - Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một xe tải luồng xanh, phát hiện trên xe có gần 10 tấn bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn.

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), việc mua - bán online các mặt hàng thực phẩm nói chung, bánh Trung thu nói riêng tiềm ẩn không ít rủi ro. Nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng...

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết các hành vi vi phạm kinh doanh trên chợ mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Cần có những biện pháp mạnh tay hơn

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bánh online, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đưa ra nhiều khuyến nghị người tiêu dùng.

Cụ thể, khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản,...

Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Trước tình trạng bánh Thu thu trôi nổi được rao bán rầm rộ trên mạng, ngày 7/9/2021, Tổng cục QLTT đã có văn bản đề nghị rà soát các trang thương mại điện tử bán bánh trung thu.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu đội trưởng các đội QLTT chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên mạng Internet.

Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Quá trình thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế, UBND Thành phố và địa phương quy định.

Tuấn Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương cảnh báo việc mua bánh Trung thu trôi nổi trên mạng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới