Bán nông sản tiểu ngạch, bị động, bị thiệt đủ đường, làm thế nào để giảm dần sự phụ thuộc?
Xuất khẩu tiểu ngạch ẩn chứa rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh. Cần giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu "tiểu ngạch".
Đoàn xe container "nối đuôi" nhau, ùn ứ ở các cửa khẩu
Gần 30 ngày qua, các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã xuất hiện tình trạng hàng trăm, hàng nghìn xe container chứa nông sản "rồng rắn", nối đuôi nhau chờ được thông quan, dẫn đến hiện tượng ùn ứ hàng hóa kéo dài.
Cụ thể, Lạng Sơn là địa phương có tình trạng ùn ứ nặng nề nhất. Tình trạng này khiến nhiều tài xế gặp khó khăn trong việc bảo quản hàng hóa và sinh hoạt hàng ngày. Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tính đến sáng ngày 27/12 là 3.992 xe. Lượng xe tồn đã có xu hướng giảm do chủ hàng lựa chọn quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa khi xe chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hỏng.
Tổng lượng xe tồn tại thành phố Móng Cái tính đến sáng 25/12 là 1.555 xe. Hiện nay, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tạm ngừng hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Theo Bộ Công Thương, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa là do Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu bình thường rất lớn như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).
Phía Trung Quốc thông báo đóng cửa cửa khẩu Bắc Sơn - cửa khẩu đối đẳng với cửa khẩu Kim Thành của tỉnh Lào Cai. Khu vực này kiểm soát rất chặt chẽ đối với mặt hàng nông sản Việt Nam do phát hiện dịch COVID-19 trên xe chở hàng lạnh từ tháng 7/2021. Do vậy, các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai không có tình trạng dồn hàng hóa từ trước, không xảy ra ách tắc, ùn ứ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Lào Cai đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cửa khẩu khác thuộc tỉnh Điện Biên, Cao Bằng và Hà Giang, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn không cao, thế nhưng dọc tuyến biên giới Hà Giang, các cửa khẩu: Xín Mần, Săm Pun,... phía Trung Quốc đã cho xây hàng rào kiên cố, khiến hàng hóa không qua lại được.
Chiều 26/12, duy nhất chỉ có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị của huyện Cao Lộc, Lạng Sơn được thông quan được chừng 100 xe chở nông sản. Tại cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, nông sản chưa được đưa sang Trung Quốc.
Mặc dù phía Việt Nam đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt, nhưng phía Trung Quốc vẫn hết sức quan ngại và chủ động tăng cường thêm các biện pháp.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, thiệt hại trong đợt ùn ứ này rất lớn. Con số có thể lên tới vài nghìn tỷ đồng. Ước tính trị giá hàng hóa trên mỗi xe container lên đến khoảng 500 triệu đồng, cộng thêm cho phí tiền xe cũng lớn vì đa số các mặt hàng được chở ra từ Tiền Giang, An Giang, Quảng Ngãi, Bình Thuận…
Lượng hàng hóa giao thương xuất nhập khẩu của ta với Trung Quốc rất nhiều, kim ngạch thương mại giữa hai nước luôn duy trì ở mức cao. Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc và ở chiều ngược lại ta lại nhập khẩu hàng hóa nguyên phụ liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp.
Xuất khẩu tiểu ngạch ẩn chứa nhiều rủi ro: Chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"
Việc buôn bán tiểu ngạch vẫn phải đóng thuế, phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm... bởi các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan nhưng lại được cả người bán lẫn người mua ưa chuộng vì thủ tục đơn giản, dễ dàng.
Người bán chỉ cần 1 tờ khai tiểu ngạch, đóng phí mậu dịch biên giới (gọi tắt là biên mậu) là có thể xuất được hàng mà chẳng cần đến hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương.
Quay lại tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, đã xuất hiện và kéo dài trong nhiều năm nay. Bộ Công thương đã nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp nên chuyển đổi hình thức kinh doanh với phía Trung Quốc từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi vẫn còn chậm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nông sản Việt Nam phần lớn xuất khẩu theo tiểu ngạch, không theo quy hoạch, không đạt tiêu chí, tiêu chuẩn để xuất chính ngạch. "Không những vậy, khi trên biên giới đã ách tắc, chúng ta không những không dừng mà vẫn cứ đưa xe lên, vượt quá công suất thông quan. Những điều diễn ra trên đây cần được chấn chỉnh", Bộ trưởng nói.
Vệc xe hàng ùn ứ tại cửa khẩu vẫn sẽ diễn ra trong năm 2022. Bởi Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược Zero Covid-19. Cứ phát hiện một ca F0 là họ đóng cửa biên giới. "Không còn cách nào khác chúng ta phải tự sắp xếp ở phía chúng ta thôi", Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nêu quan điểm.
Thực tế, trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường. Ngược lại, xuất khẩu tiểu ngạch ẩn chứa rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
Buôn bán chính ngạch với Trung Quốc vẫn là con đường tối ưu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài việc nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế, buôn bán chính gạch còn thúc đẩy doanh nghiệp Việt quan tâm hơn trong việc đầu tư nhà xưởng, quản lý chất lượng sản phẩm cả ở đầu vào lẫn đầu ra, tránh được nhiều rủi ro trong mua bán.
Trung Quốc đóng cửa khẩu, tạm dừng nhập khẩu nhiều mặt hàng, giải cứu thế nào?
Muốn giải quyết vấn đề thông thương cửa khẩu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, cần nhìn nhận thẳng vào nội tại nền kinh tế, là cách tổ chức sản xuất và liên kết sản phẩm của chúng ta.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các địa phương cần coi việc tiêu thụ nông sản không phải là "giải cứu" mà là trách nhiệm của mình. Các địa phương hiệp hội, doanh nghiệp khẩn trương chuyển đổi phương thức sản xuất theo quy hoạch, phải có kế hoạch. Đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất hàng hóa tránh ngẫu hứng.
Bàn về một số giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu "tiểu ngạch".
"Nếu như chúng ta có thể chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch thì những trở ngại nhất, nhất là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu hay những trở ngại khác của trao đổi cư dân sẽ không gặp phải. Khi đó, việc xuất khẩu sẽ được thúc đẩy, mạnh mẽ hơn nhiều", ông Khánh nói.
Trong thời gian tới, dịch COVID-19 được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường bởi sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cao điểm của xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, lưu lượng hàng hóa, phương tiện sẽ tiếp tục tăng cao, áp lực đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc là rất lớn.
Các địa phương có cửa khẩu cần thông tin kịp thời từng ngày, thậm chí có thể từng giờ về tình hình ùn ứ để các địa phương điều tiết, tạo điều kiện cho lái xe nghỉ ngơi, hình thành kho tạm trữ. Các ngành chức năng tạo điều kiện thông thoáng trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản.