Mỗi ngày hàng nghìn xe nông sản ùn ứ, bao giờ hàng thôi 'nghẽn' ở cửa khẩu?
Hàng nghìn container chở hàng hóa ùn ứ kéo dài tại cửa khẩu Lạng Sơn đã trở thành điệp khúc, đến hẹn lại 'hát', tài xế không thôi chật vật. Bài toán cũ chưa có lời giải, song mỗi ngày vẫn có gần 1.000 xe nông sản dồn về nơi đây.
Điệp khúc "tắc nghẽn, ùn ứ" hàng hóa
Trao đổi về vấn đề này, bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do sự cố lỗi mạng nên phía Trung Quốc đang tạm dừng thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh từ ngày 15/12.
"Đến sáng nay, phía bạn chưa khắc phục xong nên việc lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh vẫn chưa được khôi phục. Còn cửa khẩu Hữu Nghị, việc lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên tiến độ thông quan rất chậm", bà Hà thông tin thêm.
Theo bà Hà, hiện vẫn còn khoảng 4.000 xe hàng hóa đang tồn ở 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma. Trong đó, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh có số lượng xe tồn lớn nhất, với khoảng 2.500 xe, đa số chở nông sản như dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài.
Ngày 17/12, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn đang ùn ứ 4.581 xe nông sản chưa thể xuất khẩu.
Dù UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản khuyến cáo các tỉnh, thành, doanh nghiệp lớn không tiếp tục đưa hàng đến Lạng Sơn. Tuy nhiên, trung bình mỗi ngày đều có từ 700 đến 800 xe vận chuyển nông sản đổ dồn về Lạng Sơn.
Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu không phải mới xảy ra. Nhiều năm qua từng có gạo, dưa hấu, khoai lang, trái cây... ùn ứ vào dịp gần Tết hoặc khi nước bạn "chuyển trạng thái" thông quan.
Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu đã trở thành điệp khúc, đến hẹn lại "hát". Đây là bài toán cũ khó có lời giải.
Kỳ vọng thu lợi lớn, xe hàng vẫn hướng về cửa khẩu dù ùn tắc kéo dài
Theo ông Vi Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, năng lực thông quan xuất khẩu vẫn đáp ứng nhưng lượng xe hàng xuất sang rất chậm, chỉ 300 xe/ngày, bằng 40% mức bình thường khi chưa có dịch. Nguyên nhân do phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
"Lượng hàng chờ xuất không chỉ tồn ở phía cửa khẩu Việt Nam mà cả bên phía Trung Quốc. Sau khi làm các thủ tục thông quan, sang phía Trung Quốc, lái xe bị cách ly ở một khu vực gần cửa khẩu, còn hàng được lái xe phía bạn chở đi giao. Do đó, thời gian giao hàng lâu hơn", ông Tường nói.
Phía Sở Công thương Lạng Sơn cho biết, tuy chưa thể thông quan, chất lượng hàng hóa giảm, chi phí bến bãi tăng cao nhưng hiện nay thị trường Trung Quốc đang khan hiếm hàng hóa nông sản nghiêm trọng.
Do vậy, mỗi xe nông sản thông quan đều được thương nhân nước bạn săn đón, trả giá cao gấp nhiều lần. Thế nên, dù ách tắc dài ngày nhưng các doanh nghiệp vẫn đưa xe về Lạng Sơn để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do số lượng xe ùn tắc quá nhiều đã gây áp lực lớn cho các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn khi phải căng mình bảo đảm ANTT, ATGT, phòng chống dịch bệnh...
Tài xế "ăn dầm ở dề" chờ thông quan
Ghi nhận thực tế, hàng ngày các xe container xếp hàng dài hàng km trước khi vào khu vực cửa khẩu, mỗi lái xe đều phải kiểm tra sức khỏe, test nhanh, có kết quả âm tính với COVID-19 mới được qua chốt kiểm dịch. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh các cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19 theo tiêu chí “cửa khẩu vùng xanh”.
Do Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu “zero COVID” nên các tài xế không được trực tiếp chở hàng qua biên giới.
Một quan chức hải quan ở đây cho biết: “Container chở hàng sau khi đã vào được khu vực cửa khẩu sẽ phải dừng ở bãi chờ. Sau đó các lái xe được cách ly tập trung. Cửa khẩu sẽ bố trí “lái bo” (lái chuyên trách) để lái những chiếc xe này qua cửa khẩu. Phía Trung Quốc cũng bố trí “lái bo” nhận xe hàng, chuyển đến địa điểm bốc dỡ trước khi chuyển xe trả lại. Hơn nữa, nước bạn giới hạn lượng xe thông quan mỗi ngày. Việc thông quan hàng hóa nhiều quy trình như vậy khiến tình trạng ùn ứ ngày càng tăng”.
Anh Nguyễn Sáng, một lái xe container đang đợi để được vào bãi chờ trước khi thông quan chia sẻ: “Để vào được đến vị trí này, tôi đã phải “ăn dầm ở dề” 7 ngày trời. Phải qua 2 bãi để xe, riêng tiền bãi đã tốn hàng triệu đồng”.
“Có những bãi mà xe bắt buộc phải qua, chỉ đi qua thôi chứ không để xe giờ nào cũng tốn đến 400.000 đồng”.
Anh Sáng cũng như nhiều lái xe khác tại khu vực này chỉ biết kêu trời khi phải ì ạch nhích từng cm để tiến vào khu vực cửa khẩu, càng khó khăn hơn khi trả hàng loạt chi phí đắt đỏ, tốn kém từng ngày.
Anh Hiến Nguyễn, một lái xe container quê Ninh Bình cho hay: “Một suất cơm ở đây giá 150.000 đồng. Có những lúc không gặp được chỗ quen biết, phải mua một bữa cơm với giá 380.000 đồng, rất xót tiền”.
“Nếu đi qua cửa khẩu Hữu Nghị, hiện tại phải chờ khoảng 7-8 ngày mới đến được điểm chờ thông quan sang Trung Quốc. Còn đi cửa khẩu Tân Thanh phải mất 14 - 15 ngày”, anh Hiến chia sẻ về quá trình chờ đợi vất vả.
"Chúng ta đang bị động", làm gì để doanh nghiệp tự tin đưa hàng ra biên giới?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng việc các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh..., bị ùn ứ thời gian gần đây là do chúng ta đang bị động. Qua chuyến đi kiểm tra tại Móng Cái, phía Quảng Ninh rất muốn xây dựng một trung tâm logistics để doanh nghiệp tránh bị động, áp lực khi nông sản được đưa tới đây.
"Các doanh nghiệp nói với tôi rằng nếu như chúng ta có một khu bảo quản thì đỡ áp lực, tránh bị làm giá. Khi chúng ta có trung tâm bảo quản chuẩn mực đối ứng thì các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn khi đưa nông sản ra biên giới" - ông Hoan chia sẻ.
Theo ông Hoan, để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng thương hiệu nông sản... chuẩn hóa mọi quy trình.
Ông Hoan cũng cho biết trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, bộ cũng sẽ dành một kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc.
"Bộ cũng đang chỉ đạo tiếp cận theo cách các quốc gia có nông sản tương đồng, nông dân phải thay đổi lịch mùa vụ. Như thanh long, mình trồng và thu hoạch sao không trùng thời điểm Trung Quốc cũng thu hoạch để không bị dư thừa do thị trường nhập khẩu bị thu hẹp" - ông Hoan nói.
"Bao giờ hàng thôi nghẽn ở cửa khẩu"?
Giải pháp? Có, rất nhiều. Các bộ quản lý khuyến cáo địa phương lên phương án cân đối, chủ động bảo quản nông sản tại các kho lạnh; khuyến nghị doanh nghiệp chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu. Và quan trọng nhất là doanh nghiệp phải chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu theo đường chính ngạch, mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính... Vậy mà...!
Để chữa chứng "nghẽn ở cửa khẩu" đâu chỉ cần liều thuốc trước mắt, ngắn hạn như trên mà cần giải pháp lâu dài, căn cơ của nhiều ngành, thay đổi từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.
Điều khó hiểu là chúng ta đã xuất khẩu nhiều tỉ đôla nông sản đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới, tất cả đều theo hợp đồng, xuất chính ngạch với các tiêu chuẩn cao về chất lượng, giao nhận, thanh toán... Vậy mà với xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, năm nào cũng phải lặp lại điệp khúc "nghẽn ở cửa khẩu".
Không thể đổ hết cho COVID-19. Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu hiện nay là chỉ dấu, một hiệu ứng dây chuyền tất yếu, một triệu chứng của bất cập sản xuất - tiêu thụ hàng hóa. Nông nghiệp bị đứt gãy kết nối với công nghiệp chế biến và tiêu thụ với các chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics cơ bản yếu kém đã lộ diện từ nhiều năm qua.
Cũng cần chấm dứt tình trạng cứ mỗi lần rừng xe tải nằm ở cửa khẩu, vấn đề thay đổi, cơ cấu lại khâu sản xuất, thương mại được nêu ra, rồi mùa sau lại được nhắc đến. Chưa có nhiều tín hiệu thay đổi. Do vậy, cần phải có "nhạc trưởng", hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, đặc biệt là chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và ngành kinh tế tích hợp công thương.
Đó phải là cuộc chuyển đổi về chất. Nông dân thậm chí phải thay đổi lối canh tác truyền thống, phải biết trồng cây trái vụ, tránh "đụng hàng" với nước bạn. Rồi khâu thương mại phải làm chuyên nghiệp, mua bán theo hợp đồng, phải có kho bảo quản, tạm trữ, chế biến...
Câu hỏi: "Bao giờ các cửa khẩu thôi mắc nghẹn?" có thể chưa được giải quyết ngay nhưng cần kê toa, định ra phác đồ điều trị.
Phải xem hàng ngàn xe hàng hóa ùn tắc ở cửa khẩu là căn bệnh cần được ngành nông nghiệp, công thương trị dứt điểm. Thậm chí phải đưa ra lộ trình đến ngày nào đó phải chấm dứt ca điệp khúc "nghẽn ở cửa khẩu".
Không thể chờ được nữa, vì đó là khiếm khuyết của thành quả xuất khẩu trên 300 tỉ USD hàng hóa ra thế giới.