0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 24/11/2021 08:04 (GMT+7)

ADB: Gói ngân sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hiện chưa đến 3% GDP, có thể nâng lên 5-7%

Tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn theo nhận định là tương đối lạc quan, ADB tuy nhiên cũng đưa ra một số hàm ý chính sách mà Việt Nam nên làm để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Nhìn lại năm 2020 vừa qua, phần lớn các quốc gia châu Á tỏ ra thích ứng tốt hơn với đại dịch COVID-19 hơn là các nước phương Tây. Nhưng bước sang năm 2021, sự xuất hiện của biến thể mới Delta cùng tốc độ tiêm chủng tương đối chậm ở châu Á đã đảo ngược xu hướng này. Tình hình sản xuất kinh doanh và thương mại bị ảnh hưởng nặng nề.

tm-img-alt

Các chính phủ ở châu Á trong bối cảnh đó đã tích cực triển khai chính sách tài khóa mở rộng để ứng phó với dịch bệnh và kích thích kinh tế.

Trong tham luận “Chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19 tại các nước châu Á và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam” mà ADB đưa ra tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 giữa tháng 11 vừa qua, định chế tài chính này nhận định, nhiều chính phủ châu Á đã sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để chống lại suy thoái kinh tế, tăng cường an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân.

Ưu tiên hỗ trợ thu nhập trực tiếp

Về quy mô, do tiềm lực kinh tế và không gian tài khóa của các quốc gia là không giống nhau nên mỗi quốc gia có mức độ nới lỏng tài khóa khác nhau. Trong khi các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan tung ra các gói kích thích tương đối lớn (trên 15% GDP) thì các nước còn lại như Malaysia, Philippines… công bố các gói kích thích khiêm tốn hơn.

Cũng vì nới lỏng tài khóa nên đa số chính phủ đều đối mặt với hiện tượng bội chi và thâm hụt ngân sách tăng cao. Thái Lan gần đây đã phải nâng trần nợ công từ 60% lên 70%.

tm-img-alt
Quy mô gói hỗ trợ tài khóa ở một số quốc gia châu Á (đơn vị: phần trăm trên GDP). Nguồn: ADB

Về đối tượng trọng tâm, hầu hết các quốc gia đều tập trung nguồn lực hỗ trợ 6 nhóm mục tiêu. Một là hệ thống y tế (đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết, dịch vụ y tế phòng, chống dịch, phát triển hệ thống tiêm chủng vắc xin, nâng cao phúc lợi cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu). Hai là tăng cường an sinh xã hội, mở rộng bao phủ của hệ thống bảo trợ xã hội giúp giảm tổn thất, hỗ trợ sinh kế, đặc biệt cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, lao động trong khu vực phi chính thức…

Ba là hỗ trợ thu nhập với người lao động trong các khu vực bị ảnh hưởng, bảo vệ và tạo việc làm. Bốn là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi, trong đó ưu tiên nhóm doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19. Năm là tăng đầu tư công nhằm kích thích tổng cầu, tăng năng suất, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững để thúc đẩy tăng trưởng. Sáu là ưu tiên xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.

Về biện pháp tài khóa, các biện pháp được các chính phủ châu Á ưa thích nhất bao gồm tăng cường chi ngân sách hỗ trợ (16/16 quốc gia trong thống kê), kết hợp miễn, giảm, hoãn, gia hạn nộp thuế, phí các loại (15/16 quốc gia), hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp hỗ trợ lãi vay, thanh khoản, bảo lãnh (ít nhất 10/16 quốc gia).

Theo tổng hợp của ADB, hỗ trợ thu nhập trực tiếp chiếm tỷ trọng cao nhất (48,5%) trong gói hỗ trợ trị giá khoảng 3,1 nghìn tỷ USD của các nước đang phát triển ở châu Á.

Còn theo ILO, trong số 133 biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của các nước ASEAN tính đến tháng 5/2021, các biện pháp bảo trợ xã hội, trợ cấp và trợ cấp đặc biệt (chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp) chiếm tỷ trọng lớn nhất (20,3%) trong các gói hỗ trợ, sau đó mới đến các biện pháp bảo vệ thu nhập và việc làm (15,8%).

tm-img-alt
Các biện pháp hỗ trợ thu nhập và chăm sóc sức khỏe (màu xanh) chiếm vai trò quan trọng trong gói tài khóa của các chính phủ châu Á, còn lại là các hỗ trợ khác (màu đỏ). Nguồn: ADB

Đa số các quốc gia đều gia hạn gói kích thích với một khoảng thời gian đủ dài, thường là đến giữa 2022 hoặc hết năm 2023 để tiếp tục đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Tuy nhiên, về nhịp độ chính sách tài khóa đã bắt đầu có sự khác biệt giữa các quốc gia châu Á. Trong khi một số quốc gia trong nhóm ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản) đã bắt đầu giảm bớt hỗ trợ do sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và tốc độ tiêm chủng vắc xin nhanh chóng, các quốc gia như Thái Lan, Philippines vẫn duy trì lập trường mở rộng tài khóa do tăng trưởng yếu hơn.

Tính chung cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ của chính phủ đang giảm từ mức trung bình 7,7% GDP vào năm 2020 xuống còn khoảng 4,9% vào năm 2021.

Về sự phối hợp chính sách, các chuyên gia ADB đánh giá, nhiều chính phủ châu Á có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ suốt thời gian qua, chẳng hạn thể hiện qua việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng thông qua cơ chế bảo lãnh của chính phủ (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…).

"Trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp khi lãi suất đã ở mức rất thấp, áp lực lạm phát và nợ xấu gia tăng thì vai trò của chính sách tài khóa càng lúc càng gia tăng", ADB.

Không chỉ tập trung vào các biện pháp hỗ trợ trong nước, một số quốc gia châu Á dành nguồn lực tài chính để tăng cường hợp tác hỗ trợ trong khu vực và quốc tế. Chẳng hạn, Nhật Bản dành riêng 144,4 tỷ Yen trong gói bổ sung ngân sách thứ ba của năm tài khóa 2020 cho việc hợp tác quốc tế trong đại dịch, hỗ trợ nhiều quốc gia châu Phi, Trung Đông, châu Á và châu Đại Dương.

Trung Quốc dự định cung cấp cho thế giới 2 tỷ liều vắc xin COVID-19 trong năm 2021 và sẽ cung cấp thêm 3 tỷ USD viện trợ quốc tế trong 3 năm tới để hỗ trợ ứng phó với COVID-19 và phục hồi kinh tế và xã hội ở các nước đang phát triển khác.

ADB: Việt Nam có thể nâng lên quy mô gói ngân sách hỗ trợ kinh tế lên 5-7% GDP

Các chuyên gia từ Ngân hàng ADB nhận định tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn của Việt Nam là tương đối lạc quan. Trong báo cáo vĩ mô mới nhất vào tháng 9/2021, ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam khoảng 3,8%, giảm từ mức 6,7% đưa ra hồi tháng 4/2021, tức thời điểm trước khi làn sóng COVID-19 thứ tư bùng phát.

tm-img-alt
ADB hồi tháng 9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam từ 6,7% xuống 3,8%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 7,0% xuống 6,5%

Từ kinh nghiệm của các nước châu Á trong thực thi chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch, ADB đưa ra một số hàm ý chính sách để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Lưu ý đầu tiên mà ADB đưa ra, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính nên việc xử lý triệt để đại dịch cần đến vai trò quyết định của các giải pháp chuyên môn y tế, còn chính sách kinh tế vĩ mô chỉ đóng vai trò công cụ mang tính hỗ trợ. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Lưu ý thứ hai liên quan đến triển khai gói hỗ trợ, cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, đủ bao trùm và đúng đối tượng.

Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch.

Gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP, ADB cho rằng có thể nâng quy mô hỗ trợ lên khoảng 5% - 7% GDP.

Về trung hạn, với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ADB khuyến nghị các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Các chuyên gia ADB cho hay: “Các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng cũng không kém phần quan trọng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi”.

ADB khuyến cáo trong ngắn và trung hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế do dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo.

"Điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn (gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% - 7% GDP) đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi", trích tham luận của ADB tại diễn đàn nêu trên.

Tuy nhiên về dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi và vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, ADB khuyến nghị cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách Nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, cần xác định đầu tư công tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Theo ADB, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19. Do đó, cần tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công như một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022-2023 để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (giao thông, năng lượng, viễn thông, nước…), đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xuất khẩu, hạ tầng số, hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh từ phía chuyên gia ADB cho rằng, vai trò của sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong việc triển khai thực hiện các giải pháp về y tế - kinh tế trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết ADB: Gói ngân sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hiện chưa đến 3% GDP, có thể nâng lên 5-7%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023