Thông tin về 11 hãng xe ô tô nhập khẩu kiến nghị giảm phí trước bạ
Mới đây, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Quốc hội xung quanh vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô.
Sau khi Chính phủ có cuộc họp về chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước (CKD), mới đây, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Quốc hội xung quanh vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô.
Kiến nghị được đưa ra bởi 11 nhà nhập khẩu xe bao gồm: Audi, Aston Martin, Bentley, Ferrari, Maserati, Jaguar & Land Rover, Jeep, Subaru, Porsche, Volkswagen và Volvo. Đại diện các đơn vị này kiến nghị, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ô tô cần được áp dụng chung cho cả xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) để đảm bảo tính công bằng.
Theo các doanh nghiệp này, năm 2021 nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Điều này buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô nguyên chiếc phải tạm ngừng kinh doanh. Thế nhưng sự phân biệt đối xử ưu tiên cho xe sản xuất lắp ráp trong nước là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu, cũng như nhà phân phối xe nguyên chiếc.
Trong văn bản của VIVA có nêu: "Chúng tôi được biết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ôtô trong đại dịch Covid-19. Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc".
Trước đó, ngày 18/8, nhà nhập khẩu và phân phối xe Audi tại Việt Nam đã trình bày trong văn bản phản hồi về dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
“Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc” – Đại diện Audi chia sẻ.
Đây cũng là một trong những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.
Năm 2020, những nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã chịu ảnh hưởng lớn khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ áp dụng đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước và mang tính phân biệt đối xử đối với xe nhập khẩu. Từ đầu năm 2021 đến nay, lượng xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam của 11 doanh doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng xe nhập về Việt Nam. Các nhà nhập khẩu và các đại lý xe nhập khẩu nguyên chiếc đang sử dụng khoảng 3.000 lao động mà gia đình các nhân viên này cũng đều phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh đó. Mặc dù doanh số bán ra nhỏ hơn, nhưng những nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc lại đóng góp một khoản thuế cao hơn nhiều trên mỗi chiếc xe vào Ngân sách Nhà nước.
Đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc giảm lệ phí trước bạ cho ôtô CKD, tất cả chỉ dừng lại ở mức đề xuất.