0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 26/02/2022 07:17 (GMT+7)

Xung đột Nga-Ukraine: Đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới

Căng thẳng giữa Nga-Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu, với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng mất an ninh lương thực, đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và cung cấp tới 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Với tư cách là nhà sản xuất năng lượng, vị trí trung tâm của Nga đối với nền kinh tế toàn cầu là yếu tố quan trọng trong phản ứng của phương Tây đối với căng thẳng Ukraine.

tm-img-alt
Nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Năng lượng Qatar nhấn mạnh, nước này và các nước khác không thể thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu nếu nguồn này bị cắt giảm.

Một thông báo từ Giám đốc điều hành công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) Jarand Rystad cho biết tình hình này có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Ông Rystad cho hay căng thẳng toàn diện giữa Nga và phương Tây khó xảy ra, nhưng "xung đột" kinh tế sâu rộng gần như không thể tránh khỏi, và Nga có thể sử dụng hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này như một "quân cờ".

Theo đó, trong phiên 24/2 giá dầu toàn cầu đã tăng vượt mức 105 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Tại Mỹ, giá dầu đã tiến gần đến mốc 100 USD/thùng.

Điều này sẽ khiến giá xăng tăng cao hơn, làm đội chi phí cho người tiêu dùng. Tại Mỹ, trung bình giá xăng đã tăng từ 3,33 USD/gallon một tháng trước và 2,66 USD/gallon và thời điểm này năm ngoái lên 3,54 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). 

Giá khí tự nhiên, loại nhiên liệu được dùng để sưởi ấm và sản xuất điện, cũng đang leo thang. Trong phiên 24/2, giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu đã tăng đến 29% lên 114,65 euro (127,80 USD) một megawatt giờ hour.

Mức giá này dù vẫn thấp hơn mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay ghi nhận trước dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, nhưng vẫn sẽ tác động mạnh đến khả năng tài chính của người tiêu dùng nếu giá cứ tiếp tục leo thang.

Ngân hàng Bank of America trước đó ước tính các hộ gia đình châu Âu sẽ phải trả thêm 650 euro (724 USD) cho năng lượng trong năm nay, khiến chi tiêu trung bình tăng lên 1.850 euro (2.061 USD).

Giá năng lượng cao hơn cũng sẽ làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Nhiên liệu bay sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với các hãng hàng không, từ đó có thể đẩy giá vé máy bay tăng cao, trong khi các nhà chế tạo tiêu thụ nhiều điện, như các nhà sản xuất thép, cũng sẽ bị “vắt kiệt hầu bao”. Tình hình này sẽ tác động khắp nền kinh tế.

Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, các ngân hàng trung ương cũng đã cảnh báo về nguy cơ lạm phát cao kéo dài. Và giờ dây, căng thẳng hiện nay được dự báo sẽ đẩy giá dầu và khí đốt lên cao hơn nữa, dẫn đến lo ngại gia tăng về diễn biến lạm phát, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề nan giải về thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Không những thế, khủng hoảng Nga - Ukraine còn góp phần tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu. Mô hình mô phỏng của ECB cho thấy những tác động nghiêm trọng, nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Mô hình này ước tính tỷ lệ thiếu hụt khí đốt ở mức 10% có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 0,7%, với những tác động rõ rệt nhất ở các nước có ngành điện và khí đốt lớn và các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khí đốt.

Ở quy mô rộng lớn, các nhà phân tích còn cảnh báo rằng thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái nếu Nga chấm dứt xuất khẩu năng lượng sang châu Âu do những căng thẳng với Ukraine.

Do phần lớn châu Âu phụ thuộc vào khí đốt và than nhiệt của Nga, nhà phân tích Matthew Hope của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) cảnh báo nếu xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu bị cắt giảm bởi một trong hai bên, sản xuất công nghiệp sẽ chậm lại đáng kể và gây ra mối đe dọa của một cuộc suy thoái toàn cầu. 

Nguy cơ mất an ninh lương thực

Không những tác động mạnh đến thị trường năng lượng toàn cầu, xung đột ở Ukraine còn đe dọa an ninh lương thực.

Với khoảng 40% sản lượng lúa mỳ của Ukraine nằm ở phía Đông đất nước, trong đó có 8% ở các khu vực ly khai, nông nghiệp thế giới có thể lo ngại về điều tồi tệ nhất nếu xung đột xảy ra ở đó.

tm-img-alt
Nguy cơ mất an ninh lương thực. Ảnh minh họa.

Marc Zribi, người đứng đầu bộ phận ngũ cốc và đường tại cơ quan quản lý nông sản và hải sản Pháp (FranceAgriMer) cảnh báo tình hình bất ổn gia tăng ở miền Đông Ukraine có thể tước đi 30% sản lượng lúa mạch và 40% sản lượng hướng dương, lúa mỳ hoặc ngô của nước này. Đối với dầu hướng dương, Nga và Ukraine chiếm gần 80% xuất khẩu của thế giới, đặc biệt là sang Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, giá lúa mỳ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012 trong phiên 24/2. Giá ngô và đậu tương cũng tăng mạnh.

Vai trò quan trọng của Nga trên thị trường phân bón cũng là điều khiến thế giới quan tâm. Theo Thierry Pouch, Nga đại diện cho 16% giao dịch thương mại thế giới về mặt hàng này.

Ông giải thích: "Vì khí đốt được sử dụng để sản xuất phân đạm, nên nếu xung đột xảy ra, nguy cơ tăng giá của các loại phân bón này sẽ rất cao, và đó cũng là điều khiến thế giới phải lo ngại. Giá phân đạm tăng sẽ khiến người nông dân, đặc biệt là ở Pháp, sản xuất ít hơn vì lý do chi phí".

Và không chỉ Pháp, mà các nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu khác như Mỹ, Canada, Brazil, Argentina và gần đây là Ấn Độ, cũng sẽ gặp bất lợi vì vòng xoáy tăng giá mới của phân bón do tình hình căng thẳng Nga-Ukraine gây nên.

Chủ tịch liên minh nông nghiệp FNSEA, ông Christiane Lambert, đã nhấn mạnh rằng "để tạo ra phân bón thì cần có khí đốt", và ông dự đoán những tác động lên giá sản xuất đối với ngành công nghiệp thực phẩm là điều "không thể phủ nhận".

Hiện nay, không có gì bảo đảm rằng các quốc gia khác sẽ có thể thay thế một cách hoàn hảo nguồn lương thực xuất khẩu của Nga và Ukraine nếu chúng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Theo chuyên gia Thierry Pouch, "cuộc khủng hoảng địa chính trị này diễn ra trong bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực đang ngày càng trầm trọng trên thế giới do những cuộc xung đột xảy ra trong vài năm trở lại đây”.

Ông Thierry Pouch cảnh báo, nếu giá ngũ cốc tiếp tục tăng, các quốc gia phía Nam Địa Trung Hải sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng hàng đầu. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và các cuộc bạo loạn sẽ khó có hồi kết.

Bạn đang đọc bài viết Xung đột Nga-Ukraine: Đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới