Xuất khẩu tháng 6 tiếp tục cải thiện
Kim ngạch xuất khẩu của tháng 6 tiếp tục cải thiện khi ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp tăng so với tháng trước đó. Tuy nhiên, so với mức nền cao của năm ngoái, con số này giảm 11,4%.
Theo Tổng Cục Thống kê kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng và gần cao nhất từ đầu năm đến nay (đứng sau tháng 3 với kim ngạch 29,5 tỷ USD). Tuy nhiên, so với mức nền cao của năm ngoái, con số này giảm 11,4%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%.
Như vậy, Việt Nam xuất siêu 2,6 tỷ USD trong tháng 6 và xuất siêu 12,25 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.
Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều hàng hoá nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay với 44,2 tỷ USD, giảm 22,6%. Đồng thời xuất siêu sang thị trường này đạt 37,2 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Trung Quốc với 24,5 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ.
Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc tích cực thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại song phương, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với các địa phương của Trung Quốc để hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc.
Đồng thời, phía Việt Nam mong muốn nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu trong năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi các nước thứ ba.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, Tổng Cục Thống kê cho biết khảo sát cho thấy xu hướng quý III, có 26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,2% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 27,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Trong báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI, giới phân tích cho rằng triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu vào quý III – quý cao điểm về hoạt động xuất khẩu là không quá tích cực.
Cũng đưa ra dự báo về xuất nhập khẩu, Chứng khoán BIDV (BSC) trong báo cáo mới nhất nhấn mạnh với số liệu vĩ mô thế giới đang cho thấy xu hướng tiêu dùng và khu vực công nghiệp suy nhiều khả tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ nghiêng về kịch bản tiêu cực nhiều hơn. BSC duy trì hạ dự báo xuất nhập khẩu 2023 ở cả hai kịch bản.
Cụ thể, kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể giảm 13,5% và nhập khẩu giảm 16,7%. Trong kịch bản tích cực, xuất khẩu có thể giảm 7,4% và nhập khẩu có thể giảm 9,3%.
Thu Hằng (T/H)