Doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh liên kết vùng hướng đến xuất khẩu xanh
Doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy lợi thế của từng địa phương để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm xanh, bền vững.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu mở rộng thị trường, Sở Công Thương TP.HCM và Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn Đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh với chủ đề “Liên kết mạnh - Xuất khẩu xanh” để xác định những cơ hội - thách thức, đánh giá năng lực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Hạ tầng logistics hạn chế, chưa có tính liên kết
Tại diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết tại quý I năm 2023, kinh tế Việt Nam đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều dự báo cho rằng khoảng quý IV, kinh tế sẽ có những tín hiệu tích cực, song thực tế các doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó khăn, thậm chí khó khăn hơn cả giai đoạn Covid-19 bùng phát do nhiều yếu tố kể cả về đại dịch, hay biến động địa chính trị…
Nhiều ngành hàng hiện nay ghi nhận mức sụt giảm từ 30 – 40% lượng đơn hàng, thậm chí có thị trường gần như là đóng băng. Điều này dẫn tới việc cắt giảm lao động tại một số nhà máy, các doanh nghiệp, đáng nói, hiện trạng này đang diễn ra tương đối nhiều.
Trong khi đó, những thị trường truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…không chỉ sụt giảm về nhu cầu, mà những thị trường này ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững cả về môi trường, xã hội, kinh tế trong toàn chuỗi cung ứng của sản phẩm. Đây là thách thức lớn đối với việc xuất khẩu các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
“Hiện nay chúng ta rất cần tăng cường xuất khẩu, thậm chí 50 năm nữa chúng ta vẫn phải dựa vào xuất khẩu. Vì vậy, trong giai đoạn khó khăn nhất hiện nay thì rất cần phải liên kết. Song liên kết để xuất khẩu mặt hàng nào, xuất khẩu như thế nào, là vấn đề cần thảo luận và làm rõ”, ông Hải nói.
TS. Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những năm qua xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam đạt được tăng trưởng nhanh và mang lại giá trị xuất siêu lớn. Nhưng trong 4 tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu đang có chiều hướng sụt giảm.
Các sản phẩm xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, phải nói đến sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ…; sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các quy tác xuất xứ hàng hoá; nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến hiện không ổn định dẫn đến giá thành sản xuất cao làm giảm khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đặt rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại thông qua các công cụ điều tra thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, dư lượng hay chương trình thanh tra riêng biệt, quy tắc xuất xứ, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động…khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Ngoài ra, chi phí logistics quá cao cũng là một điểm nghẽn của chuỗi cung ứng xuất khẩu hiện nay, trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25% (các nước trong khu vực khoảng 10-15%), trong khi kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp còn bất cập. Theo đó, dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều nơi như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất cả nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.
Các cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ thương mại biên giới hạn chế, chưa tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản Việt. Ngoài ra, các trung trung logistics phân bổ manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối,...
Do đó, các chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần có sự liên kết, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Liên kết vùng, chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc
Để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, liên kết vùng là yêu cầu tất yếu hướng đến xuất khẩu xanh. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần hợp tác đầu tư về tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Vấn đề quan trọng là phân công và hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa các địa phương để khai thác lợi thế của cả vùng; liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm khác để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong cuộc đua tranh với các nước trong khu vực.
Do đó, cần điều chỉnh hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái theo hướng chuyên biệt hóa (cluster), khắc phục tình trạng dàn trải như hiện nay; liên kết logistics theo chuỗi cung ứng với cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, giao thông đường bộ, đường sắt, trạm trung chuyển, kho chứa hàng để hợp lý hóa quá trình vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, giảm thiểu chi phí, hạ giá thành đến mức ngang bằng với các nước tiền tiên trong ASEAN.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện Trưởng viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), thế giới thay đổi nhanh cùng nhiều xu hướng lớn về địa chính, hội nhập, liên kết và đối kháng, lối sống và tiêu dùng,..., đáng chú ý nhất là các cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Từ sự thay đổi trên, các doanh nghiệp phải chịu nhiều áp lực về thị trường như đòi hỏi của cách mạng tiêu dùng (xanh, an toàn, nhân văn,...) dẫn dắt bởi tầng lớp trung lưu và thế hệ trẻ.
Thực tế tại Việt Nam, chuyển động xanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ sản phẩm xanh đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, nhất là ở các nước châu Âu hiện còn rất thấp, khoảng 5%.
Theo TS. Võ Trí Thành, những đòi hỏi của người tiêu dùng mới có thể vượt ngoài cả những cam kết trong các FTA, đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội khởi nguồn cho sự hình thành lĩnh vực đầu tư/mô hình kinh doanh mới. Vì vậy, chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của thị trường hiện nay.
Muốn khai thác được cơ hội, doanh nghiệp cần chú trọng tối ưu hoá chuỗi cung ứng, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng xanh, đáp ứng xu hướng tiêu dùng thế giới.
Nhà nước và cơ quan quản lý cũng cần thay đổi tư duy, nhận thức; cải cách thể chế, khung khổ pháp lý và chính sách; đào tạo; truyền thông tạo điều kiện để các chuỗi liên kết cung ứng xanh phát triển; huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh;...
Đáng chú ý, giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh không thể do doanh nghiệp hay nhà nước muốn là làm được. Với đặc thù nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cần có sự nỗ lực từ hai phía doanh nghiệp và nhà nước.
Minh Sơn