Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự kiến đạt kỷ lục 2,5 tỷ USD
VASEP ước tính trong tháng 10, xuất khẩu cá tra ước đạt 218 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), năm 2022, lạm phát và xung đột Nga – Ukraine đã giúp cho cá tra, loài cá thịt trắng có giá vừa phải này tăng mạnh doanh số xuất khẩu đi các thị trường. Đa số thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam đều tăng từ 40 – 200%.
"Với kết quả đạt được tới tháng 10, dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021", VASEP nhận định.
Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 30%, Mỹ chiếm 23%. Sau khi tăng nóng trong nửa đầu năm, lượng tồn kho tăng và tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu khiến nhu cầu của Mỹ giảm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 9 tháng đầu năm nay nước này nhập khẩu 104,5 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh, trị giá 445,2 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh vào thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm nay đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với mức giá trung bình nhập khẩu 2,77 USD/kg trong cùng kỳ năm 2021.
Trong khi nhập khẩu các loài cá thịt trắng như cá tuyết cod, cá hake, cá minh thái hoặc giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, thì nhập khẩu cá tra và cá rô phi tăng mạnh và chiếm vị trí hàng đầu, cho thấy 2 loài cá thịt trắng nuôi đang dần thay thế cá biển, vì chiến sự và lệnh cấm vận khiến cho thị trường thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Vì vậy, với riêng cá thịt trắng, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, sau Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc cung cấp chủ yếu là cá rô phi và vẫn duy trì vai trò của nước chuyên gia công, chế biến các loài cá thịt trắng như cá tuyết, cá minh thái cho thị trường Mỹ, thì Việt Nam vẫn giữ vị trí độc tôn với mặt hàng cá tra tại thị trường này.
Nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, vì sản lượng thuỷ sản trong nước giảm, chính sách Zero Covid khiến nước này thiếu thực phẩm và thuỷ sản. Ước tính đến cuối tháng 10, tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 647 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu 2 dòng sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh và cá tra nguyên con tươi/đông lạnh, chiếm tỷ trọng lần lượt 68% và 32%. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang thị trường Trung Quốc 9 tháng đầu năm đạt 2,45 USD/kg. Giá xuất khẩu tăng từ 2,2 USD đầu năm lên tới mức đỉnh là 2,73 USD/kg vào tháng 9, cao hơn 64% so với mức giá cùng thời điểm năm trước.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường CPTPP và một số thị trường châu Á, tận dụng lợi thế thuế quan và yếu tố địa lý.
Tính đến cuối tháng 9, Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra. Trong đó top 5 doanh nghiệp lớn nhất gồm Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia, Công ty TNHH CBTP xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang chiếm 37% kim ngạch xuất khẩu.
Hầu hết doanh nghiệp cá tra đều có doanh số tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu cao hơn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn tăng 46% so với cùng kỳ lên 10.755 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.815 tỷ đồng, tăng 80%.
So với kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt là 13.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng, Vĩnh Hoàn đã thực hiện được 83% chỉ tiêu doanh thu và vượt 13% mục tiêu lợi nhuận sau ba quý.
Hay với Nam Việt, doanh thu thuần đạt 3.752 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 647 tỷ, lần lượt tăng 54% và gấp 8 lần cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, công ty đã thực hiện được lần lượt 76% và 65% chỉ tiêu sau 9 tháng.
Minh Anh