Xuất khẩu cá tra tăng gấp đôi trong tháng 9
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu ( XK) cá tra của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 164 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, XK sang nhiều thị trường tăng đột phá gấp 2-3 lần so với cùng kỳ như Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Anh, Hà Lan, Australia, Singapore… Ấn tượng hơn cả là XK cá tra sang thị trường Đức trong tháng 9/2022 tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ và XK sang Peru tăng gấp 17 lần.
Theo phân tích của bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các mức tăng trưởng đột phá trên không phải là tín hiệu lạc quan vì tháng 9/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid -19 XK cá tra sụt giảm xuống mức thấp nhất.
"Hơn nữa, thông thường hàng năm vào tháng 9 sắp vào mùa cao điểm có nhiều đơn hàng cho dịp lễ cuối năm và năm mới, nhưng năm nay, kim ngạch cá tra tháng 9 lại thấp hơn 15% so với tháng 8. Trong đó, các thị trường như: Trung Quốc, Mexico, Brazil, Anh, Canada, Hà Lan, Colombia đều có mức nhập khẩu cá tra thấp hơn 17-36% so với tháng 8"- bà Hằng phân tích.
Tuy nhiên, vẫn có một số thị trường có xu hướng khả quan vì kim ngạch XK cao hơn so với tháng 8 là Australia tăng hơn 11%, Singapore tăng 22%, Ả Rập Xê Út tăng 32%, Pháp tăng 86%...
Lũy kế 9 tháng đầu năm XK cá tra của cả nước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh đạt trên 1,7 tỷ USD, chiếm 87%; cá tra tươi, nguyên con chiếm 12% đạt 235 triệu USD; còn lại là các sản phẩm cá tra chế biến chiếm 2% với 138 triệu USD.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, năm nay là năm thành công lớn của Vĩnh Hoàn khi mặt hàng cá tra XK khá thuận lợi. Thế mạnh của ngành cá tra Việt Nam là có quy trình sản xuất, chế biến đã đạt được trình độ cạnh tranh với nhiều loại cá trắng khác, đảm bảo nguồn cung ổn định, giá bán rất tốt, nhất là thị trường Mỹ.
Từ đầu năm đến nay, Mỹ nhập khẩu trên 96 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh (mã HS030462), trị giá trên 405 triệu USD, tăng 26% về khối lượng và 95% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh vào Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 4,21 USD/kg, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 8/2022 đạt mức cao 5 USD/kg – đây là mức giá kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Dù XK sang EU vẫn tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ nhưng thị trường này chỉ chiếm 8% tổng XK cá tra với gần 160 triệu USD. Trong đó, top 3 thị trường trong khối này gồm Hà Lan, chiếm 2,2% với trên 44 triệu USD, tiếp đến là Đức với trên 21 triệu USD và Bỉ với gần 16 triệu USD.
Khối CPTPP chiếm 13% XK cá tra trong 9 tháng đầu năm với gần 260 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thị trường nổi trội trong khối là Mexico chiếm 4,3% với gần 85 triệu USD; Canada chiếm 2,4% đạt hơn 47 triệu USD; Australia chiếm 1,6% đạt 30,5 triệu USD; Singapore với trên 28 triệu USD, chiếm 1,4%.
Theo bà Lê Hằng, có thể đơn hàng cá tra sẽ nhích lên trong tháng 10 là tháng đỉnh điểm của mùa giao dịch cuối năm. Hiện nay nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương đang giảm, giá cá nguyên liệu đang tăng lên. Hy vọng, nhu cầu sẽ hồi phục và giá cá tra XK sang các thị trường sẽ ổn định hoặc tăng trở lại, để cá tra năm 2022 có thể về đích với kỷ lục XK 2,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2021.
Ngoài ra, biến động thị trường năm 2022 như lạm phát và chiến sự Nga-Ukraine cũng là cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam, khi được lựa chọn thay thế cho cá minh thái và cá tuyết tại một số thị trường lớn.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI, bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ và đang phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn, nhu cầu cũng được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam.
Phạm Anh