Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường
Theo Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng, sắp tới, thành phố sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án phi công trình và 28 công trình của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Tổng kinh phí khái toán hơn 12.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hơn 2.630 tỷ đồng, vốn ODA 4.350 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 5.560 tỷ đồng.
Trong đó, đối với nhóm tiêu chí phòng ngừa ô nhiễm, thành phố sẽ đánh giá, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, thay thế các trang thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng bằng các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi các phương tiện công cộng chạy bằng động cơ điện; đầu tư, thay thế xe buýt hiện có sang xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu (Euro); triển khai xây dựng khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững.
Đà Nẵng sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án phi công trình và 28 công trình của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 |
Với nhóm cải thiện môi trường, thành phố xây dựng bổ sung các tuyến đường ống thu gom nước thải trên địa bàn thành phố. Đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải phân khu Tây Nam, Tây Bắc… Thành phố sẽ đầu tư mở rộng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Trạm xử lý nước thải khu dân cư tại huyện Hòa Vang; cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tại các khu tập trung như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất, khu kinh doanh dịch vụ tập trung.
Ngoài ra, Thành phố Đà Nẵng sẽ xử lý, cải thiện môi trường các hồ, đầm trên địa bàn; đầu tư hạ tầng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Đầu tư các trạm trung chuyển rác thải tại khu vực tuyến đường Lê Thanh Nghị và khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ; đầu tư phương tiện cơ giới hóa để thu gom rác sau bão, lũ tại các bãi biển...
Đối với nhóm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn trong hoạt động cải tiến công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; triển khai phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời tuyên truyền, vận động sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường; đầu tư sản xuất các loại túi, bao gói dễ phân hủy trong tự nhiên thay thế túi, bao gói khó phân hủy...
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm