Vùng nguyên liệu: Tận dụng mọi nguồn lực, phát triển bền vững bưởi Đoan Hùng
ác định bưởi là một trong những cây trồng chủ lực, từ năm 2016 đến nay, Phú Thọ huy động trên 20 tỷ đồng phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Phú Thọ có 147 vùng sản xuất bưởi tập trung với diện tích trên 700ha; 33 trang trại, 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác sản xuất bưởi với hơn 200ha. Các địa phương đều áp dụng trồng bưởi theo quy trình VietGAP, hữu cơ… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua tỉnh đã triển khai một số dự án khoa học công nghệ để nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật canh tác nhằm cải tạo, phục hồi, nâng cao chất lượng mẫu mã bưởi quả đặc sản, xây dựng thương hiệu. Do đó, trình độ kỹ thuật thâm canh bưởi của người dân được nâng lên; xây dựng được mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, trong đó có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2019, năng suất bưởi đạt gần 11,6 tấn/ha, sản lượng trên 30.000 tấn.
Phú Thọ huy động trên 20 tỷ đồng phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng
Quy mô trồng bưởi còn nhỏ lẻ
Tuy đạt được kết quả quan trọng, song việc phát triển cây bưởi ở Phú Thọ còn một số hạn chế khiến hiệu quả chưa xứng với tiềm năng. Trước hết, sản xuất bưởi chủ yếu ở quy mô nhỏ, phân tán, diện tích vùng trồng tập trung thấp.
Một bộ phận nông dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh, chưa sản xuất hàng hóa, chưa quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu. Diện tích trồng mới chủ yếu ở quy mô nông hộ, thiếu mô hình sản xuất lớn có tính liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất và kinh doanh. Mức độ đầu tư cho cây bưởi chưa đúng mức so với cả chu trình phát triển của cây, việc ứng dụng kỹ thuật chưa đồng bộ.
Một số diện tích trồng tự phát, không theo quy hoạch nên không chủ động được nguồn nước, không có điều kiện thuận lợi để chăm sóc; chất đất không phù hợp khiến người làm vườn phải tăng chi phí sản xuất, mất nhiều công sức, đối diện với nhiều rủi ro.
Đây là nguyên nhân khiến mẫu mã bưởi còn nhiều điểm hạn chế, chất lượng quả không đồng đều làm giảm giá trị thương mại, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh bưởi quả.
Còn khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ bưởi; việc xây dựng thương hiệu và quản lý thương hiệu bưởi đặc sản còn hạn chế.
Tỷ lệ cây giống sạch bệnh, chất lượng tốt đưa vào sản xuất đại trà còn thấp; cây giống sử dụng chưa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc; cơ sở sản xuất giống trên địa bàn còn thiếu và chưa đáp ứng theo quy định.
Xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn
Bưởi Đoan Hùng có 2 giống bưởi ngon là bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Giống bưởi Sửu Chí Đám được nhân dân xã Chí Đám nhân ra từ cây bưởi ngon của nhà một lão nông có tên là Sửu cách đây hơn 200 năm. Từ đó tên ông được đặt cho giống bưởi. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp ở dải đất vùng ven sông Lô, sông Chảy, bưởi Sửu Chí Đám sau 5 năm trồng là cho quả có chất lượng tốt, cây 15 tuổi có năng suất từ 100 – 150 quả.
Còn giống bưởi Bằng Luân có cách đây khoảng 200 đến 300 năm, là giống có nhiều nhất ở Đoan Hùng, và được trồng nhiều nhất là ở xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng. Bưởi Bằng Luân có dạng lá nhỏ, quả nhỏ có hình cầu dẹt hoặc dạng hình lá to, quả to, tròn đều. Điều đặc biệt là bưởi Sửu Chí Đám và Bằng Luân dù qua bảo quản 5 – 6 tháng quả vẫn giữ được chất lượng tốt.
Năm 2019, sản phẩm bưởi Đoan Hùng tiếp tục được vinh danh là một trong 75 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam
Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Đoan Hùng có 2.346,6ha bưởi. Trong đó, bưởi đặc sản là 1.399,2ha (bưởi Sửu Chí Đám 536,4ha, bưởi Bằng Luân 862,8ha). Tính riêng năm 2018, sản lượng quả ước đạt khoảng 16.000 tấn (bưởi đặc sản khoảng 11.000 tấn), giá trị sản phẩm ước đạt 260 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng cho biết, hiệu quả từ chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được khẳng định. Cây bưởi thật sự là cây kinh tế mũi nhọn mang lợi ích kinh tế cao cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu từ cây bưởi. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi này.
Cụ thể, tại xã Bằng Luân là một trong các xã trồng nhiều bưởi nhất huyện ở Đoan Hùng với tổng diện tích 170ha. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng bưởi đặc sản, hộ ít có vài chục cây, hộ nhiều có từ hàng trăm cây trở lên đã và đang cho thu hoạch.
Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng. Những hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập hàng tỷ đồng.
Năm 2019, sản phẩm bưởi Đoan Hùng tiếp tục được vinh danh là một trong 75 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Việc phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng và quản lý chất lượng bưởi quả còn gặp khó do cách thu mua của thương lái từ khi quả còn non, dẫn đến nhiều chủ vườn chưa có nhu cầu sử dụng tem nhãn, quả bưởi không được dán tem và khó quản lý khi đưa ra thị trường. Sản lượng bưởi từ cây nhiều năm tuổi còn thấp nên còn tình trạng đẩy giá sản phẩm lên cao và thương lái có sự trà trộn làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và thương hiệu bưởi Đoan Hùng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đoan Hùng, cho biết: Huyện khuyến khích nông dân liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bưởi để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiêu thụ gắn với vùng sản xuất theo hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm bưởi tại các hội chợ, củng cố, tiếp tục phát triển các điểm, các kênh phân phối chính thức và uy tín như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị...
Đồng bộ nhiều giải pháp phát triển vùng bưởi Đoan Hùng
Ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: Bưởi Đoan Hùng còn gọi là “bưởi Phủ Đoan”, là đặc sản của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, được nhiều người ưa chuộng bởi trái nhỏ, mọng nước, có tép nhỏ, mềm, vị ngọt, hương thơm đặc biệt. Từ tháng 3/2006, sản phẩm bưởi quả Đoan Hùng được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ ghi nhận vào sổ đăng ký quốc gia tên gọi xuất xứ hàng hoá và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn.
Những năm qua, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng đã thành lập 3 hợp tác xã sản xuất kinh doanh bưởi Sửu Chí Đám, Bằng Luân và Chân Mộng. Các hợp tác xã đã đi vào hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phầm bưởi đến người tiêu dùng.
Để cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, hiệu quả cao và bền vững, Phú Thọ vẫn cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Một số hợp tác xã đã chủ động đem sản phẩm của mình tham gia quảng bá tại hội chợ nông sản do các tỉnh lân cận tổ chức. Năm 2017- 2018, UBND huyện Đoan Hùng đã phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai thí điểm việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi đặc sản với số lượng 35 vạn tem, gắn công tác quảng bá giới thiệu với bảo hành chất lượng, từng bước lấy lại lòng tin của khách hàng với sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Phát triển trồng bưởi theo quy trình VietGAP là mục tiêu hướng đến của huyện Đoan Hùng để nâng cao giá trị cây bưởi, những mô hình tiêu biểu sẽ là điển hình được nhân rộng.
Tuy nhiên để cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, hiệu quả cao và bền vững, Phú Thọ vẫn cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP vào trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi. Tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, hiện đại; sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng - bảo quản - chế biến - tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Phú Thọ, cho biết: Phát triển cây bưởi thành vùng hàng hóa lớn, sản xuất gắn với chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu. Việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử, hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín là những nhân tố để tạo dựng thương hiệu, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm bưởi.
Đối với cây bưởi, khâu giống, kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi cây có chu kỳ sinh trưởng dài, sau nhiều năm chăm sóc mới cho thu hoạch. Việc chăm sóc đúng quy trình để có sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đặt ra cho nông hộ những yêu cầu cao nhưng đây cũng là tiền đề để cây bưởi phát triển bền vững và là yếu tố cơ bản xây dựng thương hiệu bưởi địa phương.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm