Vĩnh Phúc và một số tỉnh vẫn cách ly tập trung người từ địa phương có dịch
Một số tỉnh, trong đó có Vĩnh Phúc yêu cầu người về từ địa phương có dịch cách ly tập trung, xét nghiệm Covid-19.
Tỉnh Vĩnh Phúc ngày 28/10 ghi nhận 4 ca Covid-19 có lịch sử dịch tễ tiếp xúc với các ca mắc từ địa phương khác.
Chính quyền đang khoanh vùng, cách ly y tế hai xã Nhân Đạo và Lãng Công, huyện Sông Lô.
Trước khi ghi nhận một ca cộng động tuần trước (ngày 20/10), tỉnh đã trải qua 80 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Vĩnh Phúc vẫn duy trì 9 chốt kiểm soát trên các tuyến đường chính vào tỉnh; yêu cầu người ở vùng dịch cấp độ 1, 2 tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh trong 6 tháng tính đến thời điểm vào tỉnh.
Tỉnh cũng cách ly y tế tập trung 14 ngày, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú 14 ngày sau khi cách ly tập trung đối với người đi về từ vùng dịch cấp độ 3 và 4, xét nghiệm 4 lần bằng phương PCR.
Ngày 28/10, UBND Bắc Giang yêu cầu người cư trú tại Hà Nội và các tỉnh có ca nhiễm cộng đồng vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ hoặc test nhanh kết quả âm tính trong 48 giờ. Giấy này áp dụng cho người thuộc cả bốn cấp độ dịch khi đến Bắc Giang tham dự sự kiện đông người như hội họp, hội thảo, tiệc cưới, đám tang, tham gia lớp học tập trung, tiếp thị, giao hàng; làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, trường học...
Người không tham gia sự kiện, không tới nơi đông đúc thì không cần giấy xét nghiệm Covid, song nếu lưu trú lại Bắc Giang thì phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cách ly, theo dõi y tế theo quy định của địa phương.
Ông Mai Sơn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang, khẳng định địa phương không làm khó dễ cho người đến hay cản trở lưu thông hàng hóa. Yêu cầu xét nghiệm chỉ áp dụng với những người đến tham gia sự kiện đông người, khu dân cư đông đúc, chứ không áp dụng với toàn bộ người đến Bắc Giang.
Trường hợp không xét nghiệm mà để lây lan dịch thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang đánh giá việc bỏ quy định không xét nghiệm, cách ly với người đến từ vùng xanh, đã tiêm hai mũi vaccine Covid có tính hai mặt.
Một mặt quy định tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, khôi phục kinh tế, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; mặt khác cũng sẽ phát sinh tình huống như ổ dịch ở xã Thượng Lan.
Ngày 26/10, tỉnh phát hiện hai F0 tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên. Nguồn lây là người từ Hà Nội về địa phương làm việc, tổ chức hội thảo, dù họ đến từ vùng xanh và tiêm đủ hai mũi vaccine.
Do không áp dụng xét nghiệm với người từ vùng xanh về, khi phát hiện ca nhiễm thì mức độ lây lan đã rất rộng với hàng trăm F1, điều tra, truy vết, cách ly khó khăn, tốn kém.
Chính quyền đã phải phong tỏa toàn bộ xã Thượng Lan với hơn 9.000 người. Qua hai ngày bùng phát, ổ dịch này ghi nhận 17 ca nhiễm.
Trên bản đồ cấp độ dịch của tỉnh, Thượng Lan là xã duy nhất "đổi màu" từ xanh sang cam, đồng nghĩa với dịch cấp độ 3, nguy cơ cao.
Chính quyền xác định "tình hình cấp bách", do điểm dịch phức tạp, liên quan đến nhiều cán bộ chính quyền từ cấp thôn đến huyện, trường học, công nhân trong khu công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết địa phương đã áp dụng cách ly tập trung với người đến từ các địa bàn có dịch cấp độ 3, 4 từ 12h ngày 25/10.
Người đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 sẽ cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ nhất và thứ bảy, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Người chưa tiêm đủ hoặc đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng chưa qua 14 ngày sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ bảy và thứ 14. Người già yếu, bệnh lý nặng, trẻ nhỏ cần có người chăm sóc sẽ cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Người được công bố khỏi bệnh Covid-19 chưa quá 6 tháng khi về tỉnh phải cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ bảy.
Kinh phí cách ly tập trung (gồm phí sinh hoạt, ăn uống) của người dân trong thời gian cách ly tập trung do UBND cấp huyện bố trí. Người cách ly phải tự trả các chi phí khác nếu có yêu cầu riêng.
Lý giải việc áp dụng quy định cao hơn so với Nghị quyết 128 của Chính phủ, bà Hạnh giải thích từ ngày 12/10 đến nay, tỉnh ghi nhận 38 ca dương tính với nCoV, trong đó 9 ca về từ địa bàn có dịch. F0 về từ vùng dịch nhiều, có dấu hiệu chưa tuân thủ nguyên tắc cách ly tại nhà, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Hiện các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ vào Quảng Ninh vẫn hoạt động.
Ngành y tế Hải Phòng cũng ban hành hướng dẫn kiểm soát tương tự Quảng Ninh, tuy nhiên phần kinh phí cách ly do người dân tự chi trả, trường hợp vướng mắc phải báo cáo UBND thành phố để xem xét.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình, cho hay đã có công văn gửi Chính phủ đề nghị được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ hơn so với Nghị quyết 128.
Lý do xuất phát từ thực tế thời gian qua tỉnh tiếp nhận nhiều người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam trở về, thông báo đã khỏi bệnh hoặc âm tính, song khi xét nghiệm lại phát hiện dương tính.
Hòa Bình yêu cầu những người từ vùng có dịch trở về phải cách ly tập trung 7 ngày, tỉnh hỗ trợ toàn bộ chi phí cách ly, xét nghiệm.
Trước đó ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, trong đó phân loại bốn cấp độ dịch bệnh.
Hai ngày sau, Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; đề nghị các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với người dân đi lại, trừ trường hợp đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4, vùng phong tỏa và trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn dịch cấp độ 3.