0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 28/10/2021 10:46 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Giải quyết việc làm cho 21 nghìn lao động hồi hương thế nào?

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 21.000 công dân từ các tỉnh, thành có dịch trở về địa phương. Vậy kế sinh nhai của số lao động này sẽ được tính toán ra sao?

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thấu hiểu nỗi lo của người dân, Vĩnh Phúc đã tổ chức đón công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê hương. Không những vậy, để đảm bảo an sinh xã hội, lãnh đạo các cấp, cách ngành của tỉnh đã và đang quan tâm, tạo điều kiện về việc làm, học nghề, tạo sinh kế để ổn định cuộc sống cho người lao động hồi hương.

Giải quyết việc làm cho lao động hồi hương - Giải quyết việc làm cho lao động hồi hương - Thời sự - Báo Vĩnh Phúc
Nhiều lao động hồi hương mong muốn được tỉnh giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống. Ảnh: Dương Chung

Buồn vui ngày trở về

Theo Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có hơn 21.000 công dân từ các tỉnh, thành có dịch trở về địa phương, trong đó, gần 1.200 công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do tỉnh tổ chức đón. Phần lớn người lao động hồi hương có điều kiện kinh tế khó khăn và chưa qua đào tạo nghề. Bởi vậy, khi quay trở về quê, nhiều lao động băn khăn, lo lắng chưa biết sẽ làm gì để đảm bảo sinh kế.

Trong số đó có chị Khổng Thị Diệu Linh ở thôn Phủ Yên 1, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường. Chị Linh chỉ còn 1 tuần nữa là hết thời gian cách ly tập trung sau khi trở về từ tỉnh Bình Dương, nhưng chị rất lo lắng vì hết thời gian cách ly chưa biết sẽ kiếm sống bằng công việc gì.

Chị Linh cho biết: “Tôi làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất giày thể thao ở phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Khi xuất hiện dịch Covid-19, doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, nên tôi không có việc làm, không có thu nhập, mỗi tháng được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng, không đảm bảo chi phí sinh hoạt, vì vậy tôi quyết định về quê.

Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp nên có lẽ tôi sẽ phải ở lại quê nhà. Tôi đã nhờ người thân liên hệ trước và dự định đến thị trấn Thổ Tang làm thuê dù công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Bởi vậy, nếu được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, tôi sẽ yên tâm hơn ".

Là người làm nghề tự do, anh Tạ Thành Nam, thôn Yên Tâm, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc đã có 10 năm lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thu nhập của anh cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống. Tình hình dịch bệnh kéo dài khiến anh rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn chồng chất, nên anh quyết định rời thành phố về quê ngay khi biết tin tỉnh có chính sách đón công dân trở về từ vùng dịch.

Anh Nam chia sẻ: "Phấn khởi được trở về quê hương sum họp với gia đình, nhưng tôi cũng rất lo lắng vì khi trở về quê mọi thứ với tôi đều “lạ nước, lạ cái”, không biết sẽ làm công việc gì để kiếm sống cho phù hợp. Ở tuổi 38, trình độ học vấn không cao nên cũng khó xin làm công nhân ở khu công nghiệp, còn làm nghề phụ thì không có vốn liếng, mặt bằng.

Tôi mong muốn các cấp chính quyền của tỉnh tạo điều kiện để tôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tư vấn, hướng dẫn những ngành nghề kinh doanh nhỏ lẻ để cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống ở quê nhà".

Bảo đảm việc làm, sinh kế lâu dài

Trong số 9 huyện, thành phố, thì huyện Yên Lạc có công dân sinh sống và làm việc tại các tỉnh phía Nam đông nhất. Thời điểm này, huyện đã đón hơn 450 công dân từ các tỉnh, thành có dịch trở về địa phương, trong đó, tỷ lệ công dân trong độ tuổi lao động khoảng hơn 40%, phần lớn là lao động tự do và công nhân tạm ngừng việc trong các doanh nghiệp. Dự kiến, lượng lao động quay trở lại quê hương vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

tm-img-alt
Vĩnh Phúc có nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nguyễn Văn Tuyên cho biết: "Để ổn định việc làm và cuộc sống cho những lao động hồi hương trong đại dịch, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng như tìm hiểu nguyện vọng của người lao động; chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Tỉnh Đoàn) để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, khai thác lợi thế địa phương có một số làng nghề như nghề mộc (thị trấn Yên Lạc, xã Yên Phương), nghề chăn ga gối đệm (xã Yên Đồng), nghề sắt vụn (xã Tề Lỗ, xã Đồng Văn)..., huyện khuyến khích, tạo điều kiện làm việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng của từng người, từ đó, giúp tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho lao động khi ở lại quê hương".

Theo Sở LĐ-TB&XH, việc quan tâm, tạo điều kiện giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhóm công nhân, người lao động hồi hương trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch là việc làm quan trọng, cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của tỉnh tới người dân nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Trên tinh thần đó, sở đã xây dựng kế hoạch, tham mưu tỉnh triển khai các biện pháp tạo điều kiện cho nhóm lao động này được đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Theo đó, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát nắm bắt các thông tin cơ bản của người lao động hồi hương về công việc đang làm, thời gian thất nghiệp, nhu cầu việc làm mong muốn; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với doanh nghiệp để tìm việc làm, tăng cường triển khai công tác thông tin thị trường lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, các cơ sở đào tạo nghề để tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối người lao động và doanh nghiệp.

Đối với người lao động có nhu cầu học nghề, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, vay vốn tạo việc làm tại chỗ cũng sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ học nghề phù hợp với thị trường lao động gắn với giới thiệu việc làm.

Các huyện, thành phố cũng chủ động khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, làng nghề, nghề phụ… để hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, cây, con giống để người lao động tiếp cận, phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, sớm ổn định cuộc sống khi ở lại quê hương lập nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Giải quyết việc làm cho 21 nghìn lao động hồi hương thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới