Việt Nam hướng tới vị thế trung tâm startup hàng đầu Đông Nam Á
Mới đây, theo thông báo của StartupBlink, Việt Nam và các thành phố đang tiếp tục tăng thứ hạng, dần dần hướng tới vị thế là một trung tâm startup hàng đầu Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những nước có hệ sinh thái khởi nghiệp được chú ý nhất hiện nay |
Trước đó, từ năm 2017, tại diễn đàn khởi nghiệp, Việt Nam đã được công bố là một trong những quốc gia kinh doanh hàng đầu thế giới. Sự công nhận này là minh chứng cho một thực tế tại Việt Nam: gần 80% người dân Việt Nam mong muốn mở công ty và đang ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp.
Trong những năm gần đây, với nền tảng công nghệ vững chắc và những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ, thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã trở nên cực kỳ sôi động với một loạt các Startup mới được sinh ra và các khoản đầu tư nước ngoài dồi dào đang được đổ vào liên tục.
Đây là một tín hiệu đáng mừng và là một cơ hội đầy hứa hẹn không chỉ cho các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam, mà còn cho ngành tài chính ngân hàng nói chung nhằm tạo ra những đột phá mới sau khi ngành này được dự báo sẽ có tiềm năng tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Thời gian gần đây, làn sóng khởi nghiệp tại thị trường Việt Nam đang ngày càng trở nên năng động hơn và mang đến rất nhiều dấu ấn đột phá trên thị trường. Đặc biệt, khoảng cách về tốc độ khởi nghiệp giữa Việt Nam và hai nước đứng đầu trong khu vực – Singapore và Indonesia đã được rút ngắn đáng kể.
Với dân số ước tính gần 100 triệu người đến năm 2030, một bộ phận lớn người dân Việt Nam sử dụng smartphone sẽ là người dùng trẻ và am hiểu về công nghệ cao. Vì lý do này, các nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi tiềm năng để khám phá và triển khai các mô hình startup công nghệ tại thị trường này nhiều hơn.
Việt Nam tiếp tục tăng hạng, hướng dần tới vị thế trung tâm startup hàng đầu Đông Nam Á |
Vừa qua, StartupBlink, một trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, vừa công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia 2020. Theo đó, Việt Nam và các thành phố tiếp tục tăng thứ hạng, dần dần hướng tới vị thế là một trung tâm hàng đầu Đông Nam Á. Năm 2020, Việt Nam đã tăng ấn tượng 13 lên xếp hạng 59 thế giới về hệ sinh thái startup.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, New Zealand đã giảm 21 bậc về hạng 47, trong khi Indonesia và Thái Lan cũng đánh mất lần lượt 13 và 17 hạng xuống vị trí thứ 54 và 50. Ngược lại, Việt Nam đang trở thành một ngôi sao sáng.
Tính riêng theo từng thành phố, Thủ đô Hà Nội, đã lọt vào top 200 thành phố trên toàn cầu sau khi nhảy 33 bậc lên hạng 196, trong khi TP.HCM đã ấn định vị trí 225 trong khi năm trước Thành phố Hồ Chí Minh không có trong danh sách này. Có hai thành phố có quy mô như vậy là một phần thưởng lớn cho các startup Việt Nam, StartupBlink hy vọng nhiều thành phố khác của Việt Nam có thể tham gia vào danh sách trong các năm tới. Xét dân số Việt Nam gần 100 triệu, 2 thành phố được xếp hạng chắc chắn là không đủ.
Hệ sinh thái chủ yếu phát triển mạnh nhờ quy mô thị trường đáng kể của nền kinh tế Việt Nam, khiến việc tạo ra các startup địa phương thành công có lợi nhuận ngay cả khi họ không mở rộng ra khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm khu vực và toàn cầu thực sự, Việt Nam sẽ phải tạo ra những đổi mới với tác động toàn cầu. Việt Nam có kế hoạch có ít nhất 10 startup “kỳ lân” vào năm 2030, theo Bộ kế hoạch và đầu tư. Nếu đạt được mục tiêu này, Việt Nam có thể mong đợi sự gia tăng nhanh chóng trong bảng xếp hạng của các thành phố và quốc gia.
StartupBlink là một trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. SB hợp tác với hàng chục chính phủ, thành phố và các tập đoàn phát triển kinh tế về phát triển, lập bản đồ và điểm chuẩn hệ sinh thái khởi nghiệp cho hơn 100 nước. Bảng xếp hạng môi trường startup dựa trên: Số lượng khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khác; chất lượng của các startup và tổ chức này và môi trường kinh doanh. |
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm