0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 02/08/2020 09:40 (GMT+7)

Xây dựng 2 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo Japonica tại Thủ đô

Việc đưa lúa Japonica vào sản xuất là hướng đi mới, tạo được loại gạo chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica năm 2020.

Thông tin từ Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, vụ Mùa 2020, Trung tâm hỗ trợ các địa phương triển khai sản xuất hơn 1.000 ha lúa Japonica, nâng tổng số diện tích lúa Japonica trên địa bàn TP lên 7.000ha. Để phát triển sản xuất lúa, gạo Japonica bền vững, ngay từ đầu năm 2020 Trung tâm đã phối hợp với các phòng Kinh tế các huyện kết nối các doanh nghiệp vào ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã (HTX). Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica cho nông dân, HTX.


dsd

Xây dựng 2 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo Japonica tại Thủ đô


Theo kế hoạch, trong năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 2 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica cho 2 HTX, gồm: HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam) và HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ).

Các HTX được hỗ trợ 100% bao bì (túi đựng gạo); 100% kinh phí tập huấn cho người sản xuất theo hướng hữu cơ; 100%kinh phí tuyên truyền xây dựng thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đại diện các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, phòng Kinh tế các huyện cũng đề xuất với Sở NN&PTNT Hà Nội, các sở ban ngành TP tiếp tục quan tâm và có cơ chế hỗ trợ để mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo Japonica trong thời gian tới.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Khôi chia sẻ, chỉ tính riêng vụ mùa 2020, huyện Ứng Hòa đã gieo cấy khoảng 3.500ha lúa Japonica, dự kiến sản lượng lên tới vài chục ngàn tấn.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa, gạo Japonica dẫn tới nhiều vùng sản xuất, nông dân vẫn phải tự tiêu thụ tự do trên thị trường. Vì vậy, việc liên kết giữa nông dân với DN trong sản xuất - tiêu thụ lúa Japonica cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Trước đó TH&SP đã thông tin, Sở NN&PTNT cho biết, vụ xuân 2020, sản xuất lúa giống có nguồn gốc từ Nhật Bản (Japonica) tại khu vực ngoại thành Hà Nội đã thành công cả về diện tích, năng suất và chất lượng; bình quân đạt 31 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa chất lượng Bắc thơm số 7 từ 14 đến 15 triệu đồng/ha. Trong quá trình chăm sóc lúa, nông dân không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất (các loại thuốc sâu, thuốc diệt cỏ có độ độc hại cao...), vừa bảo đảm chất lượng gạo, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường...

Việc đưa lúa giống có nguồn gốc từ Nhật Bản vào sản xuất là hướng đi mới trong nỗ lực tái cơ cấu của ngành trồng trọt bởi tạo được loại gạo chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trên cơ sở thành công này, trong năm 2020, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Gạo Japonica Mỹ Thành” (huyện Mỹ Đức) và “Gạo Japonica Nam Phương Tiến” (huyện Chương Mỹ), làm tiền đề xây dựng nhãn hiệu tập thể cho gạo Japonica ở các huyện khác như: Ứng Hòa, Sóc Sơn…

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng 2 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo Japonica tại Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới