Việt Nam có thêm một nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Công ty FastCA, giấy phép có giá trị đến hết ngày 20/7/2030.
Tại Việt Nam, chữ ký điện tử đã bắt đầu sử dụng trong hoạt động thương mại điện tử và cơ quan pháp lý. Sự phổ biến của giao dịch dựa trên Internet giữa doanh nghiệp, cá nhân và chính phủ đã trở nên phổ biến và thực hiện rộng rãi hơn. Trong đó, công nghệ này sử dụng trong hai ngành chính gồm ngân hàng và kế toán với những giải pháp quen thuộc như hóa đơn điện tử, thanh toán thuế điện tử...
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho Công ty FastCA, giấy phép có giá trị đến hết ngày 20/7/2030.
Cụ thể, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT cho biết, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ của FastCA, NEAC đã phối hợp với các đơn vị chuyên trách của Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ để thẩm tra hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung theo đúng quy trình thủ tục. Qua xác minh, hồ sơ của FastCA đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Nghị định 130/2018/NĐ-CP, tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định pháp luật có liên quan.
Việt Nam có thêm một nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Sau khi được cấp phép, FastCA trở thành nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng thứ 16 tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động công cộng; Chứng thư số cho cá nhân, tổ chức; Chứng thư số SSL dành cho máy chủ; Chứng thư số cho phần mềm (CodeSigning) và phương thức lưu khóa bí mật của thuê bao. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng FastCA lưu khóa bí mật của thuê bao trong USB Tokien đáp ứng tiêu chuẩn FIPS PUB 140-2 tối thiểu mức 2. Hệ thống kỹ thuật cung cấp dịch vụ phải tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đang có hiệu lực.
Trong lễ trao giấy phép, ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc NEAC chia sẻ: Trong bối cảnh thị trường chữ ký số Việt Nam có dấu hiệu bão hòa khi hầu hết các doanh nghiệp đều có chữ ký số, FastCA nên nghiên cứu triển khai nhiều loại hình dịch vụ mới, hướng đến người dùng cá nhân.
Ông Lã Hoàng Trung cũng cho biết: Hàng năm NEAC tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp chứng dịch chữ ký số theo định kỳ. Do đó, trước khi cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về điều kiện quy định pháp luật để tuân thủ cho đúng. Đồng thời, đóng góp chung cho thúc đẩy ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử, Chính phủ số và quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đặc biệt là góp phần làm cho các giao dịch điện tử an toàn hơn.
Trong tương lai gần, chữ ký điện tử có thể sẽ mở rộng hơn trong doanh nghiệp và người dùng cá nhân. Vì vậy, các chuyên gia đầu ngành nhấn mạnh, điều quan trọng nhất khi lựa chọn dịch vụ chữ ký điện tử là tính an toàn và hiệu quả từ những đơn vị uy tín.
Covid-19 đã và đang đẩy mạnh lộ trình số hóa của nhiều doanh nghiệp để củng cố sức mạnh, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Là một trong những hạng mục quan trọng trong vận hành số, chữ ký điện tử đang có nhiều tiềm năng bứt phá. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường này sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm